Giải pháp để trạm y tế 'giữ chân' người bệnh

Ngày 16/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi nghe các ý kiến của đại diện lãnh đạo các Trung tâm y tế,  nhất là đề xuất của Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả ban đầu của Chương trình "Gói can thiệp thiết yếu bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho ngành Y tế Thành phố và tác động chính sách giúp cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu trên địa bàn Thành phố.

 

Chú thích ảnh
Khám sức khoẻ cho người cao tuổi tại Trạm y tế phường Linh Trung.

Là một trong những Trạm y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tham gia thí điểm Chương trình "Gói can thiệp thiết yếu bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở", đại diện Trạm Y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú) nhận định, chương trình này đã giúp cho nhân viên y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở cập nhật những kiến thức mới, quan trọng trong hoạt động chăm sóc người bệnh mắc các bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

“Không chỉ dừng lại việc cập nhật kiến thức, chương trình còn cung cấp cơ sở khoa học, giúp cải thiện danh mục thuốc cho trạm y tế đối với 2 loại bệnh phổ biến là đái tháo đường và tăng huyết áp được đầy đủ hơn, đáp ứng mong đợi của người dân khi đến khám bệnh tại trạm. Chính vì vậy, số lượt khám chữa bệnh ban đầu tại trạm đã tăng lên rõ rệt”, đại diện Trạm y tế phường Tân Quý cho biết thêm.

Tuy nhiên, lãnh đạo các Trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn Thành phố cho rằng, việc kết nối giữa các phần mềm hiện hữu của trạm y tế với phần mềm quản lý bệnh của WHO cần sớm được cải tiến cho thuận lợi hơn công việc của nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các Trung tâm y tế cũng đưa ra một số những bất cập về cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở. Cụ thể, theo quy định của Luật BHYT, người dân tham gia BHYT đã đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến cuối của thành phố (như Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Trãi…) thì không được Bảo hiểm xã hội giải quyết chi trả nếu đến trạm y tế phường để khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, việc để Trung tâm y tế tự đấu thầu thuốc thì không thể có đủ thuốc cho các trạm y tế triển khai công tác khám, chữa bệnh ban đầu, nhất là các bệnh mạn tính không lây, điều này lại càng khó “giữ chân” được người bệnh.

Đặc biết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị với UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế cho phép Sở triển khai đấu thầu tập trung cấp địa phương mở rộng hướng về y tế cơ sở, nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa được phép thực hiện.

Theo đó, lãnh đạo các Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức đề xuất những bất cập trên cần sớm được điều chỉnh để người dân được thuận lợi hơn khi đến với trạm y tế. Bên cạnh đó, các chuyên gia kiến nghị, Bảo hiểm xã hội vẫn xem xét thanh toán chi phí khám, chữa bệnh khi một bác sĩ đa khoa công tác tại y tế cơ sở được phép khám và chỉ định thuốc cho người bệnh đái tháo đường và thuốc thuộc nhóm tâm thần khi có chỉ định.

Theo các chuyên gia, việc phải giới thiệu người bệnh đái tháo đường đến phòng khám chuyên khoa để có thuốc là không thực tế, nhất là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc nếu người bệnh bỏ cuộc.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Nhiều trạm y tế tiền tỉ xây dựng dở dang ở Quảng Trị
Nhiều trạm y tế tiền tỉ xây dựng dở dang ở Quảng Trị

Tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), nhiều trạm y tế xuống cấp trầm trọng, không còn an toàn trong quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, việc xây mới các trạm y tế từ nguồn vốn ODA đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, công trình dang dở…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN