Nếu không thể theo đuổi mục tiêu loại bỏ hoàn toàn F0 trong cộng đồng, chúng ta cần có định hướng như thế nào cho chiến lược chống dịch trong giai đoạn tới, thưa ông?
Để chung sống an toàn với SARS-CoV-2, đầu tiên, chúng ta phải kiểm soát bằng cách giám sát nó. Nghĩa là sau khi hết đợt bùng phát thế này, chúng ta phải thực hiện giám sát bằng xét nghiệm. Việc xét nghiệm cần tùy từng đối tượng chỉ định loại xét nghiệm, theo định kỳ, chu kỳ rõ ràng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải giảm tối đa số lượng tử vong. Nhiều người mắc chưa sao nhưng nhiều người tử vong lại là vấn đề hết sức lớn.
Khi đã xác định được đích như vậy, chúng ta phải xác định được nhóm có nguy cơ tử vong cao như: những người cao tuổi cao, nhiều bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch... Nhóm người này cần được bảo vệ bằng vaccine, cần ưu tiên tiêm vaccine đầy đủ hai mũi cho họ.
Thứ hai, với các trường hợp mắc bệnh, chúng ta phải tiếp cận điều trị sớm, điều trị hợp lý.
Thứ ba là không để cho ổ dịch bùng phát, phải dập triệt để từng ổ dịch, trong 14 ngày phải dập xong ổ dịch. Để làm được điều đó, phải xác định đúng cái lõi của ổ dịch. Khi xác định đó là vùng đỏ, cách ngày phải "quét" một lần, tức là chỉ trong trong vòng 48 giờ vì chủng Delta 48 giờ là một chu kỳ. Nếu làm sau 48 giờ, có nghĩa là đang chạy theo dịch. Làm trong 48 giờ, chính là đang chặn dịch. Điều này chính là xét nghiệm “thần tốc” như Thủ tướng đã nói.
Với vùng xung quanh đó, cần định nghĩa là vùng cam, xanh nguy cơ ít hơn nhưng cũng phải xét nghiệm 5 ngày/lần. Rồi tiếp đến, vòng xung quanh nữa có thể 7 ngày/lần.
Chúng ta xét nghiệm để xác định nguồn lây là F0, để “bóc” nguồn lây ra khỏi cộng đồng. Nhưng phải hiểu rằng, cách ly ngay tại nhà cũng chính là “bóc” nguồn lây ra khỏi cộng đồng chứ không nhất thiết phải đem tất cả đến một nơi để tập trung.
Tôi cho rằng càng ngày càng phải giao quyền cho người dân và càng ngày người dân càng phải có ý thức về phòng chống, chống dịch. Nếu được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt.
Như vậy, nếu thực hiện đủ ba tiêu chí bao gồm: Chung sống an toàn, giảm thiểu tử vong, dập từng ổ dịch, chúng ta có thể an toàn với COVID-19.
Xin ông cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam tăng cao trong thời gian qua?
Trong bất kỳ trận chiến nào, nếu muốn chiến thắng phải chủ động.
Nhìn thẳng vào thực tế cho thấy, trong thời gian qua, rõ ràng có những thời điểm nhất định chúng ta đã bị động. Đó là khi số ca mắc tăng nhanh quá và chúng ta không lường hết được. Hệ thống y tế điều trị không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đồng thời khả năng điều phối cũng không được tốt.
Điều đó dẫn đến hậu quả là tỷ lệ tử vong khá cao so với thế giới và cục bộ có địa phương lên tới trên 4 %. Điều đó thực sự đáng tiếc!
Nguyên nhân tại đâu chúng ta đã có những bài học rồi. Một là, chúng ta đã biết rằng dịch lây lan rất nhanh. Tuy lây lan nhanh nhưng độc lực không mạnh đến mức để gây nên mức độ tử vong như vậy. Điều này cho thấy, việc điều phối và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế rất quan trọng.
Bộ Y tế đã phân 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19. Điều cơ bản nhất của việc phân loại là nhằm mục tiêu nếu bị bệnh sẽ không chuyển nặng, nếu chuyển nặng sẽ giảm tỷ lệ nhập viện và nếu nhập viện sẽ giảm tỷ lệ nguy kịch và tử vong.
Đây chính là ba mục tiêu mà chúng ta hướng đến.
Tuy nhiên, việc chuyển nặng có rất nhiều yếu tố gây nên. Ví dụ, người bệnh bị stress tâm lý, hoảng loạn loạn - Đây cũng yêu tố gây nên khả năng chuyển nặng ở người bệnh.
Thứ hai là dinh dưỡng trong thời gian điều trị bệnh, hoặc đơn giản như người bệnh không uống đủ nước cũng có thể gây chuyển nặng.
Bên cạnh đó, việc luyện tập để tăng cường sức khỏe cũng chưa được hướng dẫn đầy đủ.
Đặc biệt ở thời điểm trước cũng chưa có thuốc để chữa trị…
Đến giờ thì khác rồi, chúng ta đã tăng cường thuốc kháng virus có tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Cùng với đó, có một số thuốc dự phòng cho cơ chế đặc biệt do COVID-19 gây ra như đông máu, cơn báo cytokin… Nếu chúng ta dự phòng sớm, ngay từ những lúc bệnh chưa diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong sẽ giảm.
Đến giờ phút này có thể nói rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm soát được rất tốt. Số ca tử vong ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cao là do số bệnh nhân nặng từ trước vẫn đang còn, rất khó có thể điều trị ổn định trong một sớm một chiều.
Nhưng rõ ràng, số bệnh nhân mới chuyển tầng đang rất thấp. Một số tỉnh xung quanh cũng tương tự như vậy.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã xây dựng cuốn sổ tay gồm 5 trang về điều trị COVID-19 trước khi vào đơn vị hồi sức tích cực, góp phần hỗ trợ y tế cơ sở và người bệnh trong điều trị.
Cuốn sổ gồm 4 phần quan trọng. Một là tư vấn tâm lý để người bệnh không lo lắng, hoảng loạn. Hai là tập luyện, phải hướng dẫn người bệnh tập luyện tự động tác nhỏ nhất từ tập thở, tập khí công. Ba là dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo đủ đạm, đủ nước. Bốn là thuốc, phải dự phòng rất sớm và đủ thuốc kháng virus, chắc chắn chúng ta sẽ giảm được tử vong.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!