Nhiều lần rơi lệ
"Chiến binh của mẹ! Con giỏi và kiên cường lắm, giờ hãy tặng lại giác mạc để giúp những người khác tìm lại ánh sáng nhé chàng trai!", những lời thì thầm của người mẹ với cậu con trai nhỏ 4 tuổi trước khi hiến giác mạc, khiến khóe mắt ông Nguyễn Hữu Hoàng thắt lòng lại, dù luôn cố giữ bình tĩnh mỗi lần làm nhiệm vụ đặc biệt này.
Một tai nạn bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của bé Mai Reon vào đúng ngày sinh nhật tròn 4 tuổi. Trong giây phút cuối ấy, cha mẹ bé đã quyết định hiến đôi giác mạc trong trẻo của bé để mang ánh sáng cho các bạn khác, giúp con làm được một việc có ích cho đời.
Tiếp nhận thông tin về nguyện vọng ấy của gia đình bé Mai Reon từ những người bạn trên mạng xã hội, rồi được kết nối thông qua Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, ông Nguyễn Hữu Hoàng cùng các cán bộ của Ngân hàng Mắt hối hả lên đường đi Phú Thọ, cả đoạn đường dài ai cũng im lặng xót xa, bởi đây là ca hiến giác mạc nhỏ tuổi nhất.
Đến nơi, chứng kiến cảnh người mẹ hôn từ biệt con khiến không chỉ những người ở phòng hồi sức tích cực hôm đó, mà ngay cả người khá cứng rắn vì đã quá quen với công việc này như ông Nguyễn Hữu Hoàng cũng không ngăn được dòng lệ tuôn rơi.
“Khi bắt tay lấy giác mạc của cậu bé, trong đầu tôi chỉ nghĩ phải làm sao có thể nhẹ nhàng nhất, để bố mẹ bé đứng kia không phải đau, không phải xót lòng thêm nữa. Họ chăm chú theo dõi việc làm của tôi đến lúc hoàn tất. Trong tận cùng đau khổ của sự mất mát, nhưng cả hai vẫn nở nụ cười mãn nguyện vì nguyện vọng của họ đã được thực hiện và ánh mắt thì toát lên sự tự hào về chàng “chiến binh” nhỏ tuổi. Khi mọi việc hoàn tất, chúng tôi nói cảm ơn gia đình, đôi giác mạc trong trẻo ấy sẽ mang đến điều kỳ diệu cho hai người khác đang ngày đêm mong mỏi ánh sáng”, ông Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ.
Đó là kỷ niệm về một ca lấy giác mạc nhỏ tuổi nhất, mà có lẽ trong cuộc đời mình, ông Nguyễn Hữu Hoàng không bao giờ quên được. Với vai trò như người chuyển giao ánh sáng, giờ đây, công việc vận động, thu nhận và bảo quản giác mạc của người hiến đã trở thành công việc thường ngày của các cán bộ tại Ngân hàng Mắt. Cứ ở đâu có gia đình người hiến gọi, là ông Nguyễn Hữu Hoàng cùng đồng nghiệp lại lên đường ngay, bất kể ngày đêm, rét mướt hay mưa, nắng...
Ông Nguyễn Hữu Hoàng vẫn còn nhớ những ngày đầu mới về Ngân hàng Mắt làm việc, được đào tạo là một kỹ thuật viên thu nhận giác mạc, thêm 3 tháng đào tạo chuyên sâu tại Ấn Độ trở về, nhưng thời gian đầu, Ngân hàng Mắt mới chủ yếu làm công tác vận động người dân đăng ký hiến giác mạc, vì hồi đó các ca hiến giác mạc tự nguyện là hầu như chưa có.
“Để vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu về giác mạc và việc hiến giác mạc có ý nghĩa gì, cũng như kỹ thuật lấy, cán bộ trong Ngân hàng Mắt đã phải tự dịch các tài liệu nước ngoài, cải biên nội dung sang tiếng Việt, đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh để người Việt Nam dễ dàng tiếp nhận nhất. Lúc đó chủ trương chính vẫn là lấy giác mạc, chứ không lấy nhãn cầu. Nếu lấy nhãn cầu, người hiến sẽ bị sụp hết mắt xuống, lõm vào, dễ gây nỗi sợ, vì tư tưởng của người Việt là “chết toàn thây”, việc làm biến dạng khuôn mặt sẽ rất khó vận động...”, ông Nguyễn Hữu Hoàng nói.
Công việc lấy giác mạc cũng khá đặc thù, vì không phải lấy trong phòng mổ như người hiến tạng, mà khi người hiến ở đâu, thì kỹ thuật viên sẽ đến tận nơi để thu nhận, ngay tại nhà người hiến.
“Lấy giác mạc tại chỗ có nhiều yêu cầu đặc biệt; nhất là việc đảm bảo vệ sinh tiệt trùng phải như một ca mổ trong điều kiện đông người, nhiều tiếng ồn xung quanh; thậm chí kỹ thuật của người lấy giác mạc cũng yêu cầu cao, đòi hỏi phải tỉ mẩn, chính xác, giữ cho giác mạc không bị gấp nếp, co kéo, sẽ ảnh hưởng đến tế bào nội mô ở bên trong. Trong khi đó, thường tư thế lấy cũng phải xoay quanh tư thế nằm của người mất...”, ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm.
Kể lại trường hợp hiến giác mạc đầu tiên ở Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Hoàng nhớ lại: “Đó là ngày 5/4/2007, cụ bà Nguyễn Thị Hoa, 83 tuổi ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình qua đời và khi nhận được liên hệ của gia đình, chúng tôi sẵn sàng lên đường. Đây cũng là một trường hợp đặc biệt, trước đó, bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Khuy là người cùng xã với cụ Hoa, chị bị cành cà phê chọc vào mắt khi đi làm, khiến một bên mắt của chị gần như hỏng, do chị sẹo giác mạc, để chữa lành chỉ còn cách thay giác mạc. Thời điểm đó, việc hiến giác mạc hầu như quá hiếm, nên các bác sĩ đã tư vấn gia đình liên hệ người thân quen, nếu chẳng may có ai qua đời thì xin giác mạc. Sau một quá trình vận động, đến khi cụ Hoa gần mất, gia đình đã thuyết phục được 11 người con của cụ đồng ý hiến giác mạc của mẹ".
Khi cụ Hoa mất, gia đình đã gọi điện thông báo, tôi cùng các đồng nghiệp khẩn trương lên đường bằng xe cứu thương và chạy thẳng xuống xã Cồn Thoi. Sau gần 4 tiếng, chúng tôi gần đến nơi, thì nhận được điện thoại của người nhà chia sẻ muốn công việc lấy giác mạc thật lặng lẽ và kín đáo. Chúng tôi tắt còi xe, đỗ xe ở đầu làng, cởi áo blue và chỉ mặc thường phục đi bộ vào như một đoàn vào viếng. Thậm chí không xách theo đồ đạc, dụng cụ, mà để người nhà tự mang vào sau. Đây là ca đầu tiên ở Việt Nam và cũng là ca đầu tiên ở một xã nông thôn, nên gia đình dù tự nguyện, nhưng vẫn sợ điều tiếng, sợ những lời xì xào...
Vào đến nơi, các kỹ thuật viên ngồi nói chuyện, tư vấn thêm cho gia đình để nhận được sự đồng thuận. Người nhà mời hết mọi người ra ngoài, đóng cửa để đoàn làm nhiệm vụ. Trong sự căng thẳng của ca hiến đầu tiên, các kỹ thuật viên lấy hết tinh thần vững vàng của mình và bắt tay vào thực hiện. Từ lúc vệ sinh, vô trùng, lấy mẫu máu, đến khi hoàn thành lấy giác mạc hết khoảng 50 phút trong sự hồi hộp, áp lực. Đây là ca đầu tiên, nên sự thành bại sẽ ảnh hưởng lớn đến thành quả vận động tuyên truyền hiến giác mạc lúc đó. Nếu chẳng may có gì sơ suất, thì mọi công sức “đổ sông, đổ bể” và sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân. Và rất may mắn, với tất cả sự cố gắng, ca lấy giác mạc đã thành công ngoài mong đợi.
“Tôi giơ tấm màng trong suốt vừa lấy ra cho người nhà cụ Hoa xem, tất cả đều bất ngờ vì hiến giác mạc không “đáng sợ” như những gì họ tưởng tượng trước đó, khuôn mặt người mất vẫn vẹn nguyên như chưa từng có gì xảy ra. Và tôi nhận thấy họ bắt đầu có sự đồng thuận, đồng tình với việc làm này”, ông Nguyễn Hữu Hoàng kể lại.
Đặc biệt sau đó, hai giác mạc của cụ Hoa đã được ghép cho chị Nguyễn Thị Khuy và một cô bé hơn 20 tuổi ở Thanh Hóa, mỗi người nhờ nhận một giác mạc thành công đã được chữa lành đôi mắt .
Sự đồng cảm từ các gia đình
Sau ca hiến giác mạc đầu tiên của cụ Hoa, khi Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức về tận nơi tôn vinh gia đình người hiến giác mạc và khám mắt miễn phí cho người dân trong xã, thì họ bắt đầu hiểu thêm về ý nghĩa của việc hiến tặng này.
“Chúng tôi đã kết nối với vị linh mục tại địa phương để nói rõ ý nghĩa của việc hiến và nhờ vị linh mục giúp đỡ tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn. Và dần dần, người dân đã bắt đầu đăng ký hiến tặng và tự nguyện gọi cho chúng tôi khi có người thân mất. Từ xã Cồn Thoi, phong trào hiến giác mạc cứ lan tỏa dần ra các xã xung quanh như: Kim Mỹ, Kim Chung, Kim Đông... thậm chí lan rộng khắp các tỉnh Nam Định, Bắc Giang... Tính đến thời điểm này, xã Cồn Thoi là xã có nhiều người hiến giác mạc nhất cả nước, với hơn 100 người đã hiến giác mạc trong tổng số hơn 500 người hiến giác mạc của cả nước. Ninh Bình cũng trở thành ngọn cờ đầu của cả nước, là tỉnh có số lượng người hiến giác mạc nhiều nhất, đặc biệt là huyện Kim Sơn”, ông Nguyễn Hữu Hoàng cho hay.
Với ông Nguyễn Hữu Hoàng và các cán bộ của Ngân hàng Mắt, công việc tuyên truyền, thu nhận và bảo quản giác mạc hiện nay là công việc đầy tính thiện và ý nghĩa, thực hiện theo nguyện vọng của người đã qua đời, không vụ lợi, trên tinh thần hoàn toàn thoải mái, nên tất cả đều làm việc một cách vô tư. Thậm chí, chưa bao giờ họ cảm thấy ám ảnh, sợ hãi hoặc có điều gì phải lăn tăn trong đầu.
“Rất may công việc của tôi cũng nhận được sự đồng thuận rất lớn từ gia đình, vợ con đã quá quen với việc tôi có thể khoác áo và lên đường bất kể ngày hay đêm. Có lần tôi còn đùa với vợ rằng, có sợ phải ở cạnh người ngày ngày tiếp xúc với tử thi hay không, nhưng vợ tôi chỉ cười vui vẻ, bởi tôi biết vợ tôi luôn ủng hộ công việc đầy ý nghĩa tốt đẹp này”, ông Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ.
Đặc biệt hiện nay, gần như việc hiến giác mạc đã thành nét đẹp của nhiều địa phương. Nhiều người dân cũng đã quá quen với việc lấy giác mạc, họ không còn phải tò mò hay xúm đông vào xem nữa, không còn cảm thấy đau buồn hay cho là việc gì quá to tát. Hơn cả, nhiều người không còn bị tác động bởi quan niệm “chết toàn thây”, mà chỉ mong muốn mang lại điều tốt đẹp, mang lại ánh sáng cho đời trước khi thân xác người thân trở về với cát bụi...
Từ 8 người hiến giác mạc năm 2007, nhờ phối hợp tuyên truyền và vận động, hiện nay số người hiến đã tăng lên 25- 30 ca/năm. Đặc biệt, năm 2017 đã tăng lên 77 ca và đến năm 2018 đã lên 109 ca/năm. Đến nay, cả nước đã có hơn 500 ca hiến giác mạc, ở 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.