Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg, ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030"; chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ bệnh kịp thời.
Các địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn; đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương bố trí mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.
Bác sỹ Chuyên khoa II Võ Thanh Nhơn, Quyền Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết, nhiều năm nay, tỉnh không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh dại trên chó, mèo nuôi và trên người. Ngành Y tế tỉnh đã triển khai tiêm vaccine phòng dại trong những tháng đầu năm 2024, đến nay đạt hơn 5.000 lượt người. Riêng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đến ngày 28/3/2024 đã tiêm trên 3.720 mũi tiêm vaccine ngừa bệnh dại.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tỉnh Tiền Giang đề nghị, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông về bệnh dại. Nội dung truyền thông tập trung vào các quy định, chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh dại; công tác tiêm phòng bệnh dại… Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người...