Tinh thần “rệu rã”
“Suốt cả mùa dịch COVID-19, nhân viên y tế của chúng tôi làm việc không biết mệt; họ làm đêm ngày chẳng kêu than một tiếng, và chúng tôi tình nguyện làm việc như vậy. Nhưng sau dịch tinh thần ấy lại “rệu rã” khi những gì được nhận chưa xứng đáng khiến họ “chạnh lòng”. Tôi đau lòng và không biết trả lời ra sao khi một bác sĩ có chuyên môn tốt hỏi tôi: Nếu cứ ở lại, liệu chúng em sẽ được những gì?”, một lãnh đạo Trung tâm y tế tại Hà Nội chia sẻ khi chúng tôi hỏi về vấn đề nhân lực.
Theo vị lãnh đạo này, lúc dịch bệnh khó khăn nhất, nhân viên y tế xả thân làm việc không hề nề hà, không ngại khó, ngại khổ; nhưng sau dịch tại đơn vị đã “rơi rớt” một số bác sĩ đều là những người có chuyên môn tốt. Thiếu nhân lực, nhiều trang thiết bị có sẵn nhưng cũng không sử dụng được vì không có người làm…
Tại Bệnh viện Bạch Mai, sau giai đoạn chống dịch COVID-19, tình trạng bệnh nhân đông, thiếu thiết bị y tế nên nhân viên y tế phải làm ca kíp, thậm chí họ phải làm việc từ 5 giờ sáng đến hết trưa cho khu vực bệnh nhân ngoại trú, từ chiều đến đêm lại dành cho bệnh nhân nội trú. Áp lực là vậy nhưng nhân viên y tế hầu như không được chi trả thêm thu nhập tăng thêm chỉ bằng 1/5- 1/3 so với năm 2019.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng trăn trở: “Tại Bệnh viện đã xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”. Trong vòng 2 năm qua số lượng bác sĩ, điều dưỡng, thậm chí cả những người phục vụ ở khối hậu cần cũng đã rời chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân với con số khoảng 300 người, một con số không hề nhỏ. Lãnh đạo Bệnh viện cũng rất buồn khi nhận được tin nhắn của nhân viên y tế thắc mắc việc đi làm từ sáng sớm đến khuya mới về nhưng không có thêm thu nhập nên xin cho làm đúng giờ hành chính. Nhiều cán bộ giỏi của bệnh viện đã xin chuyển đi”.
Còn tại Bệnh viện Trưng Vương (Quận 10, TP Hồ Chí Minh), nếu như trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh thì sau dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh liên tục bị sụt giảm lượt khám bệnh tại đây chỉ đạt 56% công suất, công suất giường bệnh chỉ đạt 52,8%. Số lượng bệnh nhân giảm sút mạnh khiến chênh lệch thu - chi gần như bằng 0, do đó thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh.
Đáng chú ý, trong suốt năm 2022, Bệnh viện Trưng Vương không thể chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố về ban hành quy định ghi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý. Điều này dẫn đến hàng loạt y bác sĩ xin nghỉ việc.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Trưng Vương cho biết: Tính đến tháng 10/2022 có 1 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 53 điều dưỡng. Nói về nguyên nhân nghỉ việc, bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn cho rằng, đa số đơn xin nghỉ việc đều trình bày là do thu nhập không đủ trang trải đời sống, trong đó nhiều người phải thuê nhà khiến cuộc sống khó khăn. Nhiều người nghỉ việc nên gánh nặng công việc lại đổ dồn lên người ở lại.
Lỗ hổng cho y tế công
Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc như vừa qua đã tạo thành làn sóng đáng lo ngại khiến nhiều cơ sở y tế lao đao; và người chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là người bệnh, người dân.
PGS.TS Đào Xuân Cơ nhận định: Việc “thất thoát” các bác sĩ giỏi của bệnh viện là sự mất mát rất lớn đối với một bệnh viện tuyến đầu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cả công tác đào tạo nhân lực, đào tạo thế hệ kế cận; tạo nên lỗ hổng rất lớn cho y tế công”.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2022, cả nước có trên cả nước có 9.0 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh, thành phố; trong đó tập trung chủ yếu ở các đơn vị đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2022, Hà Nội có 586 nhân viên nghỉ việc, dự báo xu hướng này có thể vẫn tăng trong năm 2023. Trong số người nghỉ có 195 người trình độ bác sĩ trở lên, còn lại là điều dưỡng, dược sĩ, hộ sinh... Có khoảng 0,04% số người này bỏ việc, chuyển sang nghề khác, số còn lại làm việc cho cơ sở y tế tư nhân.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tượng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc từ công sang tư có nguyên nhân chủ yếu là chế độ tiền lương, thu nhập thấp; chính sách, chế độ; nguồn thu của các bệnh viện tự chủ sụt giảm nhiều, không đủ tài chính đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như: Gia đình, sức khỏe và môi trường, điều kiện làm việc khắc nghiệt...
Đặc biệt, vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến biến động nhân sự ngành y. Nhân viên y tế phải làm nhiều nhiệm vụ chưa từng có, có những thời điểm họ phải làm việc rất căng thẳng, liên tục, kéo dài, không có ngày nghỉ… Đó là sự hy sinh quá lớn, thời gian căng thẳng quá dài, thu nhập không tốt khiến họ bỏ việc nhiều. Chưa kể, áp lực xã hội với ngành y tế sau các vụ vi phạm pháp luật gây tâm lý hoang mang, lo sợ. Trong khi đó, y tế tư nhân phát triển mạnh sau đại dịch, môi trường làm việc và thu nhập hấp dẫn, bác sĩ chỉ cần khám chữa bệnh, không cần lo đấu thầu mua sắm hay thủ tục chữa trị; khiến nhiều y bác sĩ có xu hướng chuyển việc từ cơ sở y tế công sang tư nhân.