Bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh thiệt thòi
Có người nhà bị nhồi máu não, suy tim, viêm phổi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Nga, ở xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) cho biết, mỗi ngày, người nhà chị cần làm các loại xét nghiệm như điện giải đồ, chức năng thận phục vụ công tác theo dõi, chẩn đoán bệnh... Tuy nhiên, chị đều phải ra ngoài làm, bên cạnh đó, Bệnh viện thiếu một số thuốc, phải mua ở ngoài mặc dù người nhà chị đã tham gia bảo hiểm y tế.
Thiệt thòi nhất là bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách, bởi theo quy định, nhóm đối tượng này được bảo hiểm y tế chi trả 100%. Thế nhưng trong tình trạng khó khăn chung, bệnh nhân nghèo vẫn phải ra ngoài làm xét nghiệm, mua sắm một số vật tư y tế.
Các y bác sĩ, nhân viên y tế cũng rất vất vả, áp lực khi ngoài công tác khám chữa bệnh còn giải thích cho bệnh nhân, người nhà hiểu tình trạng khó khăn ngoài ý muốn.
Bác sĩ Bùi Văn Thiện, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, tất cả bệnh nhân vào Khoa là bệnh nhân nặng, nguy kịch, cần được xét nghiệm, theo dõi thường xuyên. Những bệnh nhân nặng cần theo dõi mỗi ngày phải ra ngoài thực hiện xét nghiệm kéo dài trong vài tuần đến hàng tháng, rất tốn kém vì không được bảo hiểm y tế chi trả.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, theo bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc Bệnh viện, đơn vị đang thiếu nhất là các vị thuốc và dược liệu vì gói thầu hết hiệu lực từ năm 2022. Sở Y tế vừa tổ chức các bước để đấu thầu tập trung gói cung ứng thuốc chữa bệnh năm 2023 và năm 2024 cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh gồm 4 gói: Cung ứng thuốc hóa dược; thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; dược liệu; vị thuốc cổ truyền. Tuy nhiên 2 gói thầu: dược liệu và vị thuốc cổ truyền không có doanh nghiệp tham gia dự thầu, ảnh hưởng lớn đến việc thăm khám, điều trị tại đơn vị.
Cần sự vào cuộc, giải pháp căn cơ
Ngay sau khi Chính phủ ban hành số Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Hà Tĩnh triển khai biện pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm.
Nhờ đó, bước đầu Hà Tĩnh đã tháo gỡ được một số khó khăn, nhất là trong đấu thầu, mua sắm thuốc. Kết quả đấu thầu thuốc cấp địa phương cung cấp năm 2023 - 2024 đối với gói thầu cung cấp thuốc hóa dược, gói thầu cung cấp thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền đã có 847 mặt hàng trúng thầu trên tổng số 1.024 mặt hàng theo kế hoạch (đạt 82,7%).
Theo kết quả đấu thầu tập trung vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cung cấp cho các cơ sở y tế trong năm 2023 - 2024, chỉ có 6/17 phần trúng thầu, hiện còn 11/17 phần (tương ứng với 2.110 mặt hàng). Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh cho phép cơ sở y tế, đơn vị cung ứng được gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận khung các gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế đã thực hiện từ năm 2020. Tuy nhiên, ngày 28/4/2023 là thời điểm kết thúc việc gia hạn thỏa thuận khung, dẫn đến tình trạng khó khăn do thiếu hụt nghiêm trọng vật tư, sinh phẩm, hóa chất phục vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Hơn nữa, việc đấu thầu không thành công khi lấy giá thầu năm trước áp dụng làm khung kế hoạch cho năm sau mặc dù các cơ sở y tế đã làm đúng quy định nhưng doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
Khắc phục tình trạng cấp bách về thiếu hóa chất, vật tư y tế, thuốc, về giải pháp trước mắt, Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh đồng ý cho phép các đơn vị tự tổ chức mua sắm để đảm bảo vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Theo lãnh đạo các bệnh viện, chỉ đạo như vậy nhưng đơn vị cấp dưới không thể thực hiện được vì vật tư tiêu hao, hóa chất sử dụng tại bệnh viện có trên 90% thuộc danh mục đấu thầu tập trung.
Bác sĩ Lê Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Trong trường hợp cấp bách, Bệnh viện được thực hiện mua sắm các gói nhỏ (dưới 100 triệu đồng) nhưng để thực hiện được một gói thầu này phải làm hồ sơ, thủ tục mất thời gian khoảng một tháng. Trong khi đó, nhu cầu về hóa chất, vật tư, sinh phẩm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh là rất lớn, mức mua sắm này không bù nổi lượng vật tư, hóa chất, sinh phẩm tiêu hao.
Giải pháp trước mắt các bệnh viện thực hiện là huy động xã hội hóa hóa chất, vật tư y tế. Trường hợp cấp bách phải mua sắm một số rất ít các gói nhỏ đối với vật tư xét nghiệm huyết học, điện giải đồ… ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cho biết, giải pháp tình thế lãnh đạo đơn vị đưa ra là phải hết sức tiết kiệm, các loại dược liệu được phát nhỏ giọt dự phòng trong trường hợp cần thiết.
Nhằm đảm bảo lợi ích của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế trong tình hình khan hiếm hóa chất, thuốc, vật tư y tế như hiện nay, ông Võ Viết Quang, Trưởng phòng Giám định (Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh) kiến nghị UBND tỉnh, đơn vị chức năng tổ chức đấu thầu lại mặt hàng chưa có đơn vị cung ứng nhằm bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội. Chính phủ cần sớm có chính sách mang tính đột phá, căn cơ để các địa phương tích cực, chủ động thực hiện gói thầu cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất y tế.
Để sớm khắc phục tình trạng thiếu hóa chất, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc tại cơ sở y tế công lập ở Hà Tĩnh hiện nay, theo lãnh đạo các đơn vị, trong thời gian chờ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hoàn thiện, đáp ứng việc đấu thầu qua mạng đối với tất cả gói thầu, có thể xem xét, cho phép cơ sở y tế công lập thực hiện đấu thầu thông thường (không qua mạng) đối với gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ, kịp thời cho công tác khám, chữa bệnh.