Tại nhiều nơi, F0 phải tới Trạm Y tế để xin các loại giấy xác nhận liên quan, dẫn tới vừa tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa tốn kém cả vật chất lẫn thời gian. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội cần ứng dụng mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa công nghệ thông tin để giúp công tác phòng, chống dịch được hiệu quả hơn.
Linh hoạt ứng dụng công nghệ
Trong vai một người mắc COVID-19, phóng viên TTXVN gọi điện tới số máy của Tổ trưởng dân phố 1 phường Thạch Bàn (Long Biên). Đầu dây bên kia giọng trung niên ôn tồn hướng dẫn cách vào Zalo để có mã QR trên phần mềm chamsocsuckhoe.yte360.com, rồi khai báo thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe. Từ những thông tin ban đầu này, Trạm Y tế lưu động đặt trên địa bàn phường sẽ phối hợp với các tình nguyện viên hỗ trợ F0 tại nhà cập nhật thêm thông tin, tư vấn và ra các quyết định hướng dẫn điều trị phù hợp cho từng thời điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn, nơi 28.000 nhân khẩu và hơn 10.000 công nhân làm việc trong Khu Công nghiệp Sài Đồng, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn rất lớn. Có ngày phường ghi nhận hơn 500 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong khi đó, Trạm Y tế phường chỉ có 6 người đang làm việc. Phường đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên cùng tham gia hỗ trợ các y, bác sĩ nhưng công việc vẫn quá tải, dẫn tới có lúc F0 chưa được quan tâm tư vấn, thăm khám kịp thời.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND quận Long Biên chỉ đạo lực lượng chức năng phường ứng dụng phần mềm để quản lý F0 tại nhà và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn thông tin, trước đây, mỗi lần có ca dương tính, UBND và Trạm Y tế phường phải thực hiện quyết định cách ly y tế, quyết định kết thúc cách ly, làm hồ sơ bệnh án, giấy kết thúc điều trị... Tất cả những việc này đều được làm thủ công và sau đó nhân viên hoặc thành viên tổ dân phố phải mang đến tận nơi cho F0. Mọi công đoạn rối ren vì thiếu người, thiếu thông tin do địa bàn rộng. Nhưng khi ứng dụng công nghệ, những tồn tại trên đã cơ bản được khắc phục. Cụ thể, sau khi đáp ứng các thông tin do phần mềm yêu cầu, người quản lý chỉ cần ấn nút "xác nhận" là các quyết định được thành lập và chuyển đến F0 một cách nhanh gọn.
“Do có mã bệnh nhân, nếu F0 muốn có quyết định cách ly bản giấy thì UBND phường chỉ việc in quyết định đó, còn các trường hợp khác lưu giữ trong phần mềm, đỡ tốn thời gian và tiền bạc”, ông Thắng phân tích và cho biết thêm: công nghệ đã “gánh” việc lập báo cáo số liệu hàng ngày, lập hồ sơ bệnh án, chuyển viện, ra viện… cho chính quyền và y tế cơ sở. Từ tháng 12/2021 đến nay, phường Thạch Bàn đã theo dõi quản lý qua phần mềm hơn 8.000 bệnh nhân COVID-19.
Cuối chiều 8/3, anh Khúc Hồng Minh ở Tổ 10 phường Thạch Bàn cầm Kết quả xét nghiệm khỏi bệnh và Thẻ bảo hiểm y tế đến Trạm Y tế phường để xin giấy xác nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm y tế. Sau ít phút kiểm tra thông tin, anh đã được lời hẹn đến 9/3 đến nhận kết quả. Anh Minh nhận xét, do ứng dụng phần mềm phường cung cấp nên trước đó đã khai báo hết tình trạng sức khỏe qua mạng, không có sai nhầm gì nay đến trạm chỉ để nộp giấy, khá tiện lợi.
Để tránh quá tải cho đội ngũ y tế, cũng như tạo thuận lợi cho các F0, phường Nhật Tân (Tây Hồ) cũng đã ứng dụng phần mềm, thông qua Google Form. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường này đã triển khai đến các chi bộ, tổ dân phố, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Ban quản lý, Ban quản trị các chung cư biết để được hướng dẫn sử dụng.
Cần tiếp tục tháo gỡ bất cập
Ông Đặng Hữu Tiến, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho hay, việc ứng dụng phần mềm đã giúp thống kê, quản lý F0 trên địa bàn được chính xác, tiện lợi cho người bệnh. Nhưng cũng thừa nhận là F0 vẫn phải chờ đợi, chưa thể lấy giấy xác nhận nghỉ ốm ngay sau khi nộp hồ sơ tại Trạm Y tế phường, do phầm mềm chưa cho phép thực hiện.
Tương tự, ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) cho biết, thông qua công nghệ thông tin, Trạm Y tế phường sẽ gửi các bước hướng dẫn các trường hợp dương tính điều trị tại nhà tự test SARS-CoV-2, mua thuốc, chăm sóc và gọi video call qua Zalo mỗi khi người dân có thắc mắc. Để giảm quá tải cho lực lượng y tế, UBND phường đang phân công các bộ phận hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính cho các F0.
Ở chiều ngược lại, tại một số phường trên địa bàn Hà Nội còn có tình trạng ùn ứ tại các Trạm Y tế do lượng F0 quá lớn cùng lúc đến xin giấy xác nhận nghỉ ốm và các giấy tờ khác. Nhiều người dân phàn nàn còn quá nhiều thủ tục hành chính rườm ra khi xác nhận F0 đã khỏi bệnh.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tăng cường tập huấn, hướng dẫn, ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; hướng dẫn người dân căn cứ dịch tễ, sức khỏe để thực hiện xét nghiệm bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ người dân; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quy trình, cách thức theo dõi sức khỏe, điều trị F0 tại nhà, các chủ trương, giải pháp của Trung ương, thành phố.
Công nghệ thông tin đã giúp các địa phương quản lý tốt hơn các ca dương tính và các giúp F0 bớt đi các thủ tục hành chính liên quan. Tuy nhiên, dưới góc độ thực hiện, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn trăn trở, còn nhiều bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, khiến người dân đi lại nhiều lần. Đồng thời, ông Thắng bày tỏ mong muốn, các cấp, ngành liên quan cần có một phần mềm thống nhất để các địa phương thực hiện.
Phần mềm cần có ứng dụng chữ ký số để các quyết định nhanh chóng được ban hành. Mặt khác, cũng cần xem xét các điều kiện để kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, bảo hiểm xã hội, từ đó giúp lực lượng y tế đỡ phần nhập liệu, hạn chế sai nhầm, giảm thời gian chờ đợi cho các F0 mỗi khi cần các giấy tờ liên quan.