Hà Nội xuất hiện thêm nhiều ổ dịch sốt xuất huyết

Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuyết từ đầu năm đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Đặc biệt, số ca mắc tăng cao trong các tuần gần đây; lan rộng ra 29/30 quận huyện của Hà Nội.

Chú thích ảnh
Phun thuốc diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Ghi nhận thêm nhiều ổ dịch mới

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuyết từ đầu năm đến nay, trong đó cso 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần qua, trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận thêm 29 ổ dịch mới với 328 ca mắc sốt xuất huyết. Tuy số ca mắc giảm 65 ca so với tuần trước đó nhưng xu hướng chung các tuần gần đây vẫn đang có xu hướng tăng lên, dịch lan rộng ra các quận nội thành.

Theo đó, số ca sốt xuất huyết mới xuất hiện rải đều tại 29/30 quận huyện, tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Quận Nam Từ Liêm (29 ca); quận Đống Đa (23 ca); quận Thanh Xuân (20 ca); huyện Thanh Oai (30 ca); huyện Thường Tín (21 ca)…Tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm 2020 đến nay tại Hà Nội là 2.922 ca; trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: Tuy đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội giảm 45% so với cùng kỳ của năm 2019 (5.327 trường hợp) nhưng hiện một số quận, huyện vẫn có số ca mắc khá cao như: Huyện Phúc Thọ (360 ca), huyện Thường Tín (355 ca), quận Nam Từ Liêm (319 ca)… có nguy cơ dịch diễn biến phức tạp. Trong khi đó, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển, dịch bệnh sốt xuất dễ bùng phát mạnh”.

Hà Nội vẫn còn 47 ổ dịch quy mô thôn/xóm/tổ dân phố đang tồn tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết theo quy định để ngăn chặn dịch lan rộng.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, mặc dù năm 2020 không phải năm trong chu kỳ dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên chúng ta đã cách chu kỳ dịch trước (năm 2017) là 3 năm, nên nguy cơ sốt xuất huyết tại địa bàn Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận có khả năng bùng phát. Vì vậy, tất cả mọi người dân, tất cả các địa phương phải quan tâm phòng chống ngay từ đầu. Nếu xuất hiện ổ dịch, có người bệnh thì ngay lập tức phải khống chế kịp thời để giúp cho việc hạn chế và lan rộng bùng phát mạnh.

Tăng cường xử lý ổ dịch

Theo Sở Y tế Hà Nội, để kịp thời ngăn chặn khi dịch sốt xuất huyết đang tăng lên, thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp đến từng địa bàn để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát. Cụ thể Hà Nội vẫn duy trì thường trực đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch, tổ chức thường trực đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh truyền nhiễm trong đó có sốt xuất huyết.

Công tác kiểm tra giám sát phòng chống sốt xuất huyết được tập trung tại các “điểm nóng” như các xã, phường: Tiền Phong, Thường Tín; Nhân Chính, Thanh Xuân; Phương Trung, Thanh Oai… Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế tuyến xã. Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực có nhiều bệnh nhân, các ổ dịch kéo dài, kiểm tra các công trường xây dựng, chợ, trường học, khu công cộng, khu thuê trọ…nhằm xử lý kịp thời các ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết trong năm, Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì thường trực đội đáp ứng nhanh 24/7, đảm bảo kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện, thực hiện kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện có số mắc cao; khoanh vùng, xử lý kịp thời các ổ dịch để ngăn chặn dịch lây lan rộng; vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết theo quy định…

Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, phòng chống sốt xuất huyết bên cạnh sự vào cuộc của các đơn vị chức năng, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động phòng bệnh bằng cách tự bảo vệ không bị muỗi đốt, tiêu diệt nguồn lây bệnh là muỗi ở nơi sinh sống và môi trường xung quanh.

Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, các dụng cụ chứa nước khác như xô, thùng chậu, chai, lọ … để ngăn muỗi sinh sôi, phát triển; thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như xô, thùng, chậu, lọ hoa, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng...  Mỗi hộ gia đình cần thực hiện biện pháp trên hàng tuần, mỗi cá nhân dành ít nhất 10 phút để tìm và loại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy; loại bỏ các phế liệu phế thải tại gia đình mình để góp phần phòng bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, người dân cần sử dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt như ngủ màn ngay cả ban ngày; sử dụng các loại thuốc bôi, xịt chống muỗi. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và trong các đợt thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, các gia đình không nên tự ý phun hóa chất diệt muỗi mà cần có sự hướng dẫn của các cơ sở y tế; bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không tiêu diệt được muỗi, lại có thể gây ra tình trạng muỗi nhờn thuốc, kháng thuốc. Đặc biêt, việc sử dụng hóa chất không được kiểm soát nguồn gốc có thể gây tình trạng dị ứng, nhiễm độc...

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Sốt xuất huyết có thể tạo ra miễn dịch COVID-19 
Sốt xuất huyết có thể tạo ra miễn dịch COVID-19 

Một nghiên cứu mới phân tích sự bùng phát dịch COVID-19 tại Brazil đã phát hiện ra mối liên hệ giữa sự lây lan virus SARS-CoV-2 và các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN