Hành trình từ giã ma men

Một người nghiện rượu phải hoàn thành điều trị và không còn cảm giác thèm rượu ít nhất 2 năm mới được được coi là cai rượu thành công. Cai rượu kéo dài, khó và thậm chí tốn kém hơn cả cai ma túy.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân Đỗ Duy N. đang quyết tâm điều trị cai rượu.

Tâm thần, liêu xiêu vì rượu

Gương mặt vẫn còn mệt mỏi, tay vẫn còn hơi run, mắt chưa được tinh anh, dù tình trạng sức khỏe đã khá ổn định, bệnh nhân Đỗ Duy N. (hơn 50 tuổi, ở Hà Nội), đang điều trị rối loạn tâm thần do rượu ở Khoa Lâm sàng, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, chờ lấy thuốc như thường lệ.

Tư thế đi đứng vẫn còn chưa vững, chậm rãi bước từng bước, ông kể: “Tôi nghiện rượu đã hơn 32 năm nay, 4 năm trước tôi đã phải cai rượu được tới nửa năm để điều trị bệnh gan, nhưng rồi không kiềm chế được lại tái nghiện. Không hiểu sao tôi thích uống, thậm chí cứ có rượu vào người là không thấy đói, không có nhu cầu ăn. Sau này tửu lượng còn cao hơn trước, có ngày tôi uống tới hơn nửa lít rượu, chưa kể cũng hay nhậu nhẹt bằng bia, mà ít khi say. Rượu tôi uống phải “thửa” loại rượu gạo nấu nổi tiếng từ các tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang... rượu nặng uống mới “đã”. 

Nghĩ đến lần nhập viện này, ông hơi rùng mình, mệt mỏi ngồi xuống ghế kể tiếp: “Lần này tôi nhập viện là nặng nhất. Cách đây 3 tuần, tôi đi khám thì phát hiện men gan cao gấp 300 lần bình thường, tình trạng nguy hiểm, tôi phải nhập viện điều trị, ngừng sử dụng rượu. Nhưng do đã nghiện rượu nặng, nên tôi bắt đầu bị rối loạn tâm thần.

Suốt 5 ngày liền mất ngủ, đêm nào cũng nhìn thấy nhiều thứ linh tinh hiện ra xung quanh, giống như có một bộ phim đang được chiếu ngay trước mắt. Thấy mình gặp nhiều người lạ và bắt đầu nói nhảm; cộng thêm biểu hiện lúc nhớ, lúc quên, chân tay run rẩy... nên phải chuyển sang chuyên khoa tâm thần điều trị ổn định mới có thể tiếp tục chữa bệnh gan”, ông N kể.

Nhìn thân thể tàn tạ mới thấy tác hại của ma men đã tàn phá cơ thể suốt hơn 32 năm qua, nằm yên tĩnh trong phòng bệnh để cai rượu ông mới thấy hại như thế nào. Lần này ông cũng hạ quyết tâm phải cai rượu bằng được.

Cùng phòng với ông N là bệnh nhân Lê Văn T. (41 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội), cũng bị rối loạn tâm thần do nghiện rượu. Đã hơn 10 ngày nhập viện điều trị, bệnh nhân đã đỡ nói nhảm, nhưng vẫn còn mệt mỏi, ngủ suốt ngày.

Vợ anh T. Kể, trước kia anh khỏe mạnh bình thường, có 2 con đã lớn, là người hiền lành, có trách nhiệm với gia đình, chăm chỉ làm việc, nhờ đó, kinh tế gia đình khá ổn định. Tuy nhiên tính anh lại hay nể nang, thích thích giao lưu bạn bè nên thường tham gia các cuộc nhậu, khi đã quen thì càng ngày mức độ càng tăng lên. Đến nay bệnh nhân đã có 20 năm uống rượu ảnh hưởng rất lớn đến vợ con, kinh tế gia đình giảm sút, giờ vợ con lại phải tập trung cho anh cai rượu.

Lúc đầu chồng tôi chỉ thích uống những lúc tụ tập bạn bè, sau mức uống càng ngày càng tăng lên, trước khi vào viện cai, có ngày anh ấy uống tới hơn nửa lít, thường uống loại rượu trắng 40 độ. Khi đã nghiện rượu, không cần bạn bè, có một mình anh vẫn lấy rượu ra uống, bữa ăn nào cũng uống. Thậm chí lúc nào không có rượu lại thấy “nhạt mồm”, nhớ rượu và tìm mọi cách để có rượu uống dù vợ con không đồng ý”, chị chia sẻ.

Mặc dù chưa phát hiện gan hay bộ phận nào bị tổn thương do rượu, tuy nhiên thần kinh của bệnh nhân đã bị anh hưởng. Cách đây 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện: Mất ngủ, ăn kém, mệt mỏi... thậm chí nói chuyện một mình, tự trách mình kém cỏi, luôn có biểu hiện lo lắng và liên tục nói em gái lấy tiền của mình. Gia đình thấy anh T. có biểu hiện tâm thần bất ổn nên đưa đi bệnh viện tâm thần thì được chẩn đoán rối loạn tâm thần do rượu, suy nhược cơ thể, rối loạn giấc ngủ...

Không chỉ các trường hợp như ông N., anh T., ở bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân loạn thần do rượu, nhiều bệnh nhân đến viện đã ở mức độ nặng, điều trị lâu.

BS. Bùi Lưu Hưng, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: “Hiện tại khoa đang điều trị khoảng 78 bệnh nhân, trong đó tỷ lệ bệnh nhân lạm dụng chất gây nghiện chiếm khoảng 1/4 và đa số là nghiện rượu. Các bệnh nhân phải điều trị chủ yếu là cai, sảng rượu. Thậm chí đối với bệnh nhân sảng rượu, tỷ lệ tử vong lên tới gần 15%.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.

Khó hơn cai nghiện ma túy

Theo BS. Bùi Lưu Hưng, điều đáng nói là thời gian gần đây, xu hướng những người nghiện rượu phải đi cai rượu hoặc điều trị rối loạn tâm thần có tỷ lệ cao thuộc nhóm cán bộ, công chức; tỷ lệ ở nữ giới cũng tăng lên và độ tuổi nghiện rượu cũng trẻ hóa. Đơn cử như có những bệnh nhân mới 30 tuổi đã nghiện rượu phải đi cai; so với tiêu chuẩn sử dụng rượu 7 - 8 năm mới được coi là nghiện, thì bệnh nhân đã sử dụng rượu từ năm hơn 20 tuổi. Đó là chưa kể các loại rượu kém chất lượng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sử dụng, nhất là sức khỏe tâm thần.

“Kinh nghiệm điều trị của chúng tôi cho thấy, bệnh nhân loạn thần do rượu thường xuất hiện các ảo thị, ảo giác, hoang tưởng, ghen tuông... Những biểu hiện đặc thù của người nghiện rượu thường thấy là: Đánh vợ, chửi con, bạo hành gia đình... do vậy ngoài những tác động về kinh tế do rượu gây ra; chất gây nghiện này còn nhiều hệ lụy khác cho xã hội như: Kinh tế sa sút, gây tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, gánh nặng bệnh tật... Đặc biệt bệnh nhân phải thực sự quyết tâm mới có thể cai, chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân điều trị xong, một thời gian lại quay lại cai nghiện tiếp BS. Bùi Lưu Hưng nhận định.

Theo đó, so với điều trị cai ma túy, thời gian cai rượu thường kéo dài hơn, tốn kém hơn nhiều. Cụ thể, thời gian điều trị của người bệnh loạn thần do rượu thường mất khoảng 2 tháng tại bệnh viện, sau đó phải dùng thuốc điều trị liên tục từ 12 tháng trở lên. Bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc an thần kinh, giảm trầm cảm, giảm cảm giác thèm rượu... Ít nhất, sau điều trị khoảng 2 năm, bệnh nhân từ bỏ hẳn được rượu, không còn cảm giác thèm rượu mới được coi là cai nghiện thành công.

“Chưa kể, trên bệnh nhân loạn thần do rượu, còn thường kéo theo các chức năng của các bộ phận cơ thể bị tàn phá như: gan, thận tim mạch... Vì thế, trong quá trình điều trị còn dễ gặp phải các tai biến như: Tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não... Vì vậy hầu hết khi điều trị cai nghiện rượu thường phức tạp vì phải phối hợp với điều trị các bệnh lý cơ thể khác”, BS. Hưng cho biết.

BS. Bùi Lưu Hưng cũng khuyến cáo, người bệnh đặc biệt là gia đình cần có nghị lực và quyết tâm khi cai nghiện rượu cho bệnh nhân mới thành công. Quan trọng nhất là phải tuân thủ điều trị thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đặc biệt, khi trong gia đình có người nghiện rượu mà có biểu hiện về thần kinh như: Hoang tưởng, nói nhảm, chân tay run... cần kịp thời đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Tránh trường hợp, nhiều bệnh nhân đang sử dụng rượu ở mức cao, khi bị bệnh phải ngừng đột ngột, không đúng cách dẫn đến tình trạng sảng rượu với các biểu hiện như: Rối loạn định hướng, run rẩy, loạn thần... Việc cai nghiện cũng cần có sự trợ giúp, tư vấn của các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Bài, ảnh: Tạ Nguyên
Tịch thu gần 1.000 lít rượu thủ công không dán tem thuế
Tịch thu gần 1.000 lít rượu thủ công không dán tem thuế

Ngày 19/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia cho biết, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn đã kiểm tra Hợp tác xã rượu men lá Bằng Phúc và Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) phát hiện gần 1.000 lít rượu thủ công không dán tem thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN