Chiếc kẹp nâng mũi được các chị em truyền tai nhau cách đây vài năm, nhưng thời gian gần đây, loại dụng cụ làm đẹp này lại rộ lên khi những thông tin về biến chứng của các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ khiến chị em sợ đụng dao kéo.
Trên thị trường hiện nay phổ biến 2 loại kẹp nâng mũi của Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù dụng cụ làm đẹp này chưa được cấp phép bán tại Việt Nam, nhưng nó lại được rao bán khá rầm rộ trên các trang mạng và được quảng cáo với những câu từ rất "mát tai" như: "Chỉ cần sử dụng thường xuyên 10 - 15 phút mỗi ngày bạn sẽ có được một chiếc mũi cao mà không phải trải qua phẫu thuật", hay "Kẹp nâng mũi chính hãng giá chỉ 25k là giải pháp an toàn nâng và thu gọn mũi, chậm mà chắc để có được 1 chiếc mũi xinh xắn đúng chuẩn mà không cần phải đụng dao kéo đau đớn. Chỉ cần gắn trên mũi, cân chỉnh cho vừa vặn và dùng từ 20 -15 phút mỗi ngày"...
Thậm chí, những trang web này còn đưa ra những thông tin khiến cho nhiều người lầm tưởng như: "Mũi chủ yếu là sụn, phần sụn này có xu hướng thay đổi theo thời gian cho dù bạn ở bất kỳ độ tuổi nào. Đừng nghĩ mũi đã cố định với hình dáng và chiều cao sẵn có rồi"...
Những chiếc kẹp nâng mũi này được quảng cáo trên các trang mạng, có thể nâng và thon ngọn cánh mũi. |
Với mong muốn mình có được một chiếc mũi cao, sau khi tìm hiểu, chị Trần Thị Ngọc Thảo đã "rước" về cho mình một bộ sản phẩm kẹp mũi được giới thiệu là của Hàn Quốc bán trên mạng với giá 141.000 đồng. Ngọc Thảo chia sẻ: "Bộ sản phẩm này gồm 3 cặp sụn nâng mũi với 3 kích cỡ và được giới thiệu làm bằng silicon, có thể uốn dẻo được. Mới đầu mua về sử dụng mình cũng rất háo hức nhưng thực tế khi đeo vào rất khó chịu, lúc nào cũng cảm thấy cộm cộm. Sử dụng được 3 ngày mình không dùng nữa vì cảm thấy nó rất mất vệ sinh, khiến mình khó thở, bị trầy mũi".
Theo các bác sĩ, mũi cao hay thấp là do di truyền nên không thể thay đổi bằng các phương pháp tác động từ bên ngoài như kẹp hay vuốt mũi. Do đó, tác dụng nâng mũi của loại kẹp này là không có cở sở và phản khoa học.
PGS.TS bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa khoa Tạo hình - thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết: Mũi có cấu tạo phần xương mũi và sụn mũi. Khung sụn - xương mũi là giá đỡ cho tổ chức phần mềm ở trên. Kẹp mũi chỉ có tác dụng vào phần sụn mềm phía dưới, bộ phận có thể di động. Trong khi đó, mũi cao hay thấp do phần xương mũi quyết định, nên việc dùng kẹp chỉ làm cao tạm thời, khi tháo kẹp, phần sụn mềm sẽ trở về hiện trạng ban đầu.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn còn cảnh báo: Chiếc kẹp nâng mũi này không những làm chiếc mũi không cao hơn mà để lại những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe như làm ảnh hưởng đến khứu giác, gây dị ứng khi cho vào mũi làm ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, viêm nhiễm da, dẫn đến nổi mụn...