Chỉ để nhận lại niềm vui
Hơn 2 năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiến và chị Hồ Thị Hồng Gấm (ở Vĩnh Phúc) đã có gia tài hơn 100 chiếc “sổ đỏ” đặc biệt. Đó là những tấm giấy chứng nhận hiến tiểu cầu do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trao tặng, thành tích gom góp lại suốt hơn 2 năm của vợ chồng anh chị tham gia hiến máu.
“Vợ chồng tôi vẫn nói đùa nhau rằng, chúng mình giàu lắm, mà đúng là chúng tôi giàu thật, đó là giàu niềm vui vì làm được việc ý nghĩa. Trong đợt dịch sốt xuất huyết căng thẳng, biết nhiều người bệnh sẽ cần máu điều trị, nên đến lịch là chúng tôi đăng ký qua app và cứ 3 tuần/lần lại xuống Hà Nội hiến tiểu cầu. Việc hiến tiểu cầu đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc của hai vợ chồng...”, chị Gấm chia sẻ.
Cũng đơn giản là hiến máu, hiến tiểu cầu đổi lấy niềm vui, anh Huỳnh Hải Bình (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã hơn 100 lần hiến máu, hiến tiểu cầu.
Cách đây 15 năm, cha của anh Bình phải nằm viện dài ngày, ông đã phải truyền khá nhiều máu. Máu điều trị cho ông là những đơn vị máu được hiến tặng và các bác sĩ phải vận động người thân trong gia đình cho máu. Hiểu rõ giá trị của những đơn vị máu hiến tặng, từ cơ duyên đó, gia đình anh Bình đã chủ động tham gia cộng đồng người hiến máu tình nguyện.
“Dù bận rộn công việc kỹ sư xây dựng, nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian đi hiến máu. Mục tiêu của tôi là mỗi năm phải hiến máu đủ 4 lần. Từ năm 2019, khi được bác sĩ gợi ý tôi có thể chuyển sang hiến tiểu cầu, tôi đã đồng ý ngay. Đây là mong muốn của tôi từ lâu, vì hiến tiểu cầu sẽ tham gia hiến được nhiều lần hơn...”, anh Bình vui vẻ cho biết.
Nếu khoảng cách giữa các lần hiến máu toàn phần khoảng 3 tháng, anh Bình có thể thong thả sắp xếp công việc, với khoảng cách 3 tuần giữa hai lần hiến tiểu cầu, anh Bình phải rèn luyện kỷ luật sinh hoạt tốt hơn. Từ chuyện ăn uống đủ chất, không thức khuya trong thời gian dài, cân đối lại cường độ chơi thể thao, anh đều cân nhắc kỹ.
Đến nay, đã có “thành tích khủng” với hơn 100 lần hiến máu, hiến tiểu cầu, anh Bình chỉ mong muốn niềm vui trong cuộc sống cứ kéo dài mãi như vậy, làm được nhiều điều tốt đẹp.
Những người như anh Bình, như vợ chồng chị Gấm đang ngày càng tạo thành phong trào hiến máu phát triển mạnh mẽ, vừa đóng góp cho cộng đồng, vừa đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh.
Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) giờ đây đã trở thành “tụ điểm” của những niềm vui, khi lúc nào cũng rộn ràng sắc đỏ, rộn ràng tiếng bước chân của người hiến máu. Họ đến hiến những giọt máu quý giá chỉ với mong muốn nhận về sự thanh thản, mãn nguyện, niềm vui của sự trao đi. Nơi đây cũng là nơi người bệnh hiểm nghèo mong đợi, nhen nhóm lên cơ hội sống cho người bệnh.
Năm 2024, Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 20 năm ngày được tổ chức trên toàn thế giới. Với thông điệp “Cảm ơn người trao giọt hồng!”, Tổ chức Y tế thế giới mong muốn thêm một cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, ghi nhận, tri ân đối với người hiến máu, hiến thành phần máu trên toàn thế giới.
Nhân lên những giá trị cao đẹp
Theo Bộ Y tế, sau 30 năm phát động phong trào hiến máu nhân đạo (24/1/1994 - 24/1/2024), đến nay, cả nước ta đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30 lần, 50 lần, thậm chí có người hiến máu và tiểu cầu gần 170 lần. Có hàng nghìn gia đình có các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện; nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến máu.
Ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch COVID -19, nhiều địa phương bị phong tỏa, nhưng vẫn có hàng chục nghìn người vượt mọi khó khăn để tham gia hiến máu; nhiều trường hợp hiến máu cấp cứu khẩn cấp ngay trong đêm, hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Điều này càng khẳng định ý nghĩa nhân văn cao đẹp của phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần tô thắm truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”… đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.
Riêng năm 2023, cả nước đã tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đã đạt 99%. Nhờ tinh thần hiến máu ngày càng nhân rộng, phát triển, mà phòng trào hiến máu tình nguyện đã trở thành hoạt động thường xuyên, sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia trong suốt hơn thập kỷ qua. Hàng triệu đơn vị máu tình nguyện là món quà vô giá dành cho người bệnh, giúp ngành Y tế cấp cứu kịp thời và điều trị cho hàng nghìn người bệnh cần truyền máu mỗi ngày.
Ghi nhận tinh thần của những người hiến máu tình nguyện, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Đến nay, hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên, hiện nay, lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo… Nếu như trước đây, người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị, đến nay, người đi hiến máu được mọi người tôn vinh, ủng hộ, trở thành niềm tự hào của gia đình hay cơ quan công tác”.
“Không chỉ chia sẻ sự sống từ cơ thể mình, những người hiến máu còn chia sẻ cả thời gian, công sức, những thứ quý hơn cả vàng để giúp đỡ người bệnh. Đó không chỉ là tình cảm tốt đẹp với cộng đồng, mà còn là ý thức, tinh thần trách nhiệm cao khi người hiến máu, hiến tiểu cầu luôn giữ sức khỏe tốt và chủ động hiến khi có đủ thời gian”, TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia chia sẻ.