Trung tâm dịch vụ xã hội thuộc Tổ chức xã hội Baptist Oi Kwan Hong Kong đã phát phiếu điều tra khảo sát đối với hơn 1800 học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 có độ tuổi từ 9-13 tại 18 trường tiểu học ở Hong Kong từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh bị mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng từ 9,7% năm 2017 tăng lên đến 12,3% năm 2018. Triệu chứng trẻ em mắc chứng bệnh trầm cảm tương tự như người lớn, bao gồm tính tình thay đổi thất thường, dễ mệt mỏi, tự trách bản thân quá mức và mất ngủ…
Cuộc khảo sát cũng phát hiện áp lực mà học sinh tiểu học phải đối mặt tương tự như năm ngoái, có 20% học sinh bày tỏ thường xuyên cảm thấy bị áp lực, đa số học sinh cho rằng vấn đề thành tích học tập là nguồn gốc áp lực, trong đó có việc lựa chọn trường trung học và thành tích học tập không tốt…;
Mối quan hệ xa cách giữa bố mẹ và con cái có ảnh hưởng lớn hơn đến chứng bệnh trầm cảm của trẻ em so với áp lực học hành, rủi ro lên đến 23,66%. Nếu trẻ em đồng thời bị ảnh hưởng bởi hai nhân tố này thì có trên 30% khả năng bị mắc chứng bệnh trầm cảm.
Bà Bàn Phụng Ái, Trưởng phòng điều phối dịch vụ tổng hợp sức khỏe tâm thần thuộc Trung tâm dịch vụ xã hội Baptist Oi Kwan Hong Kong, cho biết công việc hàng ngày của các bậc phụ huynh hiện nay rất bận rộn, con cái thường giao cho ông bà hoặc người giúp việc chăm sóc, dễ dẫn đến quan hệ giữa bố mẹ và con cái xa cách.
Do vậy, các chuyên gia tâm lý Hong Kong cho rằng các bậc phụ huynh cần phải bày tỏ tình cảm và sự quan tâm của mình đối với con cái, dạy chúng học cách chấp nhận thách thức, độc lập ứng phó với vấn đề xảy ra, dần dần xây dựng lòng tin và năng lực, nâng cao khả năng chống áp lực.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải cùng với nhà trường quan tâm đến mối quan hệ của con cái với bạn bè, tránh để chúng vì khủng hoảng mà tự cô lập mình và sinh ra chứng bệnh trầm cảm.