Viện Sức khỏe tâm thần tổ chức hội thảo truyền thông Hội chứng "Tự ngược đãi bản thân". |
Theo TS. Nguyễn Doãn Phương, thời gian gần đây, Viện Sức khỏe tâm thần đã điều trị cho nhiều trường hợp mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân. Đơn cử như trường hợp một nữ sinh viên 21 tuổi đã phải nhập viện điều trị vì tự dùng dao lam cắt 16 vết thương vào tay. Khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân cắt những vết thương nông, đủ rỉ máu tại hai cổ tay. Bệnh nhân cũng cho biết mình phải chịu quá nhiều áp lực, trong cuộc sống nhưng không biết cách giải quyết thế nào. Cứ khi nào quá stress, cô lại tự cứa vào tay mình và cảm thẩy trong lòng nhẹ nhõm, thoải mái hơn.
Hay có trường hợp cháu bé 4 tuổi được đưa đến khám với lý do suốt nhiều ngày liền cứ tự lăn lộn, tự cào cấu và da tay, da chân đến bị thương. Bố mẹ cháu bé cho biết, chỉ vì cháu đòi đi chơi nhưng bố mẹ không cho phép nên đã có những biểu hiện như vậy. Các bác sĩ đã khám và tiến hành điều trị bằng tâm lý nên đã ổn định.
Tự ngược đãi bản thân là hội chứng bệnh mà người mắc bệnh thích tự làm đau cả về thể chất và tinh thần của mình, sau mỗi lần tự làm tổn hại bản thân người bệnh thấy tâm trạng thoải mái hơn nên có xu hướng tái diễn hành động đó để giải phóng sự ức chế.
Họ làm thế để tự tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết hoặc ngược lại, để gây sự chú ý của người khác. Hiện nay hội chứng này thường gặp nhất ở lứa tuổi vị thành niên, vì đây là đối tượng hay gặp phải những áp lực từ học tập, sức ép từ gia đình ảnh hưởng đến sở thích, lối sống, đam mê, thậm chí có những suy nghĩ lệch lạc, bi quan, bế tắc.
“Hội chứng tự ngược đãi bản thân có thể sớm nhận biết, ngoài việc tự gây đau, làm tổn thương cả thể chất và tinh thần thì bệnh nhân còn có các biểu hiện như: Các stress về tâm lý kéo dài, cảm thấy bất mãn, luôn căng thẳng. Thêm vào đó, còn có các biểu hiện như: Buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, luôn có cảm giác ức chế; tim đập nhanh, hay bị đánh trống ngực, cơ bị run mỏi, cảm thấy có cục ở họng, khó nuốt, vã mồ hôi… Những người hay bị hội chứng này là những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương, cụ thể như: Người cầu toàn, hay đòi hỏi; những người hay phô trương, hay lo lắng… Khi nhận thấy người thân có các biểu hiện của hội chứng này, cần phải hạn chế các dụng cụ, đồ dùng có khả năng gây sát thương, người bệnh cũng cần được điều trị các sang chấn tâm lý. Đồng thời người thân luôn bên cạnh giúp đỡ, chia sẻ và chỉ dẫn cho người bệnh một cách đúng đắn”, TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn stress, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết.
Cũng theo TS. Nguyễn Doãn Phương, tự ngược đãi bản thân không phải là bệnh là một hội chứng bệnh nên chưa có những thống kê nghiên cứu cụ thể, hiện nay các bác sĩ chủ yếu điều trị các sang chấn tâm lý, giúp đỡ và chỉ dẫn người bệnh có thể tự thích nghi với stress.