Ngày 10/6, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, vào cuối tháng 5/2023, bệnh nhân P. T. N ( tuổi, Bình Dương) trùm khăn kín đầu đến bệnh viện khám vì có khối u quá lớn.
“Khi chị vừa cởi khăn đầu ra, nhìn hình thù khối u khổng lồ căng bóng, nhiều mạch máu, các bác sĩ có cảm giác khối u sắp vỡ. Hình thù khối u mọc ra trên đầu trông giống như một quả hồ lô” bác sĩ Chu Tấn Sĩ nói.
Qua khám lâm sàng, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nhận định khối u của chị N. rất lớn (đường kính khoảng 12 cm). Trên bề mặt khối u có những vết của xuất huyết hoại tử nhiều lần. Kết quả chụp MRI cho thấy, khối u còn ăn lan xuyên qua xương sọ xuống tới màng não, gây hủy xương sọ.
Theo đó, để phẫu thuật ca bệnh, các bác sĩ hội chẩn và mổ phối hợp liên chuyên khoa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này nếu mổ lấy khối u ra thì sẽ che lại vùng xương sọ bị hủy và khuyết da như thế nào. Bởi nếu để vết thương hở, nguy cơ nhiễm trùng não và màng não, bệnh nhân tử vong nhanh hơn. Phương án được các bác sĩ đưa ra là phẫu thuật cắt trọn u, tạo hình hộp sọ đã bị hủy hoại và ghép da có cuống thẩm mỹ.
Các bác sĩ cho biết, ca mổ kéo dài 120 phút. Sau đó, ekip mổ ghép vạt da vi phẫu tạo hình thẩm mỹ, lấy từ vạt da có cuống mạch ở đùi để đắp vào chỗ khuyết da và xương sọ, nối nhánh nuôi với bó mạch thái dương nông để lấy máu cung cấp cho vạt da, mất hơn 6 giờ.
TS.BS Chế Đình Nghĩa, Trưởng Đơn vị Vi phẫu tạo hình Thẩm Mỹ, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, việc ghép da này không giống như một ghép da thông thường là chỉ lấy da đắp lên vùng da đã khuyết là xong. Đối với ca này, bác sĩ phải lấy cả da lẫn mạch máu nuôi da, với mạch máu khá nhỏ, đồng thời nối lại động, tĩnh mạch để bơm máu lên nuôi vạt da, dẫn lưu máu về giúp vạt da sống được, đủ khả năng che phủ khuyết hổng lớn của tổn thương.
“Nếu vạt da đó bị khuyết, máu nuôi không đủ cấp, không thể sống được sẽ phải xử lý, ghép da tạo hình lại, tỉ lệ thành công thấp hơn, rủi ro cao hơn. Khi ghép lại diện tích da như vậy sẽ làm mất cả vùng cho lẫn nhận, để lại di chứng, hậu quả rất nặng nề cho người bệnh”, bác sĩ Chế Đình Nghĩa cho biết.
Theo các bác sĩ, sau 4 ngày phẫu thuật, ghép da, người bệnh đã tỉnh táo, đi lại tiếp xúc tốt, vết mổ ổn định, khô, sạch cả vùng cho lẫn vùng nhận. Người bệnh sẽ tái khám để được hóa trị theo chỉ định, vì đây là loại u ác tính đã có kết quả giải phẫu bệnh trước đó.
Theo bệnh án bệnh nhân cung cấp, năm 2004 chị bị một khối u trên đầu, kết quả giải phẫu bệnh xác định đây là dạng u Sarcoma (u ác tính phần mềm của da). Bệnh nhân được phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và điều trị đáp ứng, tuy nhiên vẫn còn để một phần khuyết da. Năm 2009, chị đến một bệnh viện lớn để xoay vạt da cuống liền, che phần khuyết.
Sau đó, đúng vào thời điểm dịch COVID-19 chị không đi khám được, khối u tái phát và phát triển ngày càng tăng nhanh, nặng nề. Hết dịch, bệnh nhân qua Singapore điều trị, sau đó về nước tiếp tục điều trị đông y, tây y nhưng không đáp ứng. Khối u lớn nhanh, xuất huyết, hoại tử trên bề mặt da, gây hủy xương sọ.