Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu không uống thuốc đủ liều bác sĩ kê đơn, kháng sinh sẽ không tiêu diệt được hết vi khuẩn gây bệnh, thậm chí một số cá thể sống sót sẽ biến đổi gien và hình thành chủng kháng thuốc. Do đó, WHO khuyến cáo bệnh nhân tuân thủ đúng liệu trình điều trị của của bác sĩ.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên tạp chí y khoa BMJ ngày 27/7, nhóm chuyên gia thuộc Trường Y Brighton và Sussex cho rằng nguyên nhân kháng thuốc không phải là do ngừng sử dụng thuốc quá sớm, mà là dùng thuốc “không cần thiết”. Sau khi phân tích mối liên hệ giữa thời gian điều trị và tính hiệu quả với sự kháng thuốc, nhóm nghiên cứu kết luận không có bằng chứng cho thấy thời gian điều trị ngắn hơn sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc sẽ gây ra kháng thuốc.
Nhóm nghiên cứu giải thích khi một bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp không cần thiết, các chủng nhạy cảm với kháng sinh trong số những vi sinh vật trên da hoặc trong ruột bệnh nhân hoặc trong môi trường sẽ bị thế chỗ bởi các chủng kháng thuốc có thể gây nghiễm trùng trong tương lai. Thời gian sử dụng thuốc kháng sinh càng lâu, chủng kháng thuốc càng phát triển mạnh hơn. Các chủng này có thể lây truyền trực tiếp giữa những người khỏe mạnh.
Qua nghiên cứu mới, những chuyên gia trên kêu gọi các bác sĩ, các nhà hoạch định chính sách và những người làm giáo dục dừng chủ trương khuyến cáo bệnh nhân uống kháng sinh đủ liệu trình, thay vào đó cần công bố rằng khuyến cáo này không đúng và thiếu bằng chứng. Nhóm chuyên gia đề xuất cần tiến hành thêm các nghiên cứu để đưa ra những chỉ dẫn thay thế tối ưu, song có lẽ tốt nhất là khuyến cáo bệnh nhân ngừng điều trị bằng kháng sinh khi thấy khỏe hơn.