Cụ thể, trong số gần 12.000 liều vaccine mà tỉnh Kon Tum đã có, ngành Y tế tỉnh đã cấp cho các đơn vị, địa phương 9.900 liều; trong đó có 7.000 liều sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên, số còn lại dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Cùng với số vaccine còn lại trong kho là trên 2.000 liều, tỉnh Kon Tum vẫn còn thiếu 5.090 liều vaccine cần Bộ Y tế bổ sung. Đặc biệt, đối với nhóm tuổi từ 12 đến 18, tỉnh Kon Tum hiện không còn vaccine để tiêm, nhu cần cần 2.400 liều.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng xác định, vaccine được Bộ Y tế cung ứng theo từng đợt. Tùy thuộc vào tình hình cung ứng các loại vaccine, Sở Y tế có kế hoạch tổ chức tiêm chủng, điều phối sử dụng vaccine đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giao Sở Y tế chủ động xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo tiến độ phân bổ vaccine của Bộ Y tế, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra, tổ chức tiêm chủng kịp thời, không được để lãng phí bất kỳ nguồn vaccine nào; chủ động liên hệ với Bộ Y tế để đề xuất nhu cầu vaccine, vật tư liên quan tiêm chủng, tài liệu truyền thông.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, đến hết năm 2022, ngành Y tế tỉnh đã triển khai tiêm chủng hơn 1,4 triệu liều vaccine COVID-19 cho trên 482.000 đối tượng. Tỉ lệ tiêm chủng đạt từ 97,5% - 98,8% tùy theo nhóm tuổi.
Cũng liên quan đến công tác phòng dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum mới có văn bản 1756/UBND-KTTH về việc xử lý kinh phí chênh lệch giá dịch vụ test nhanh COVID-19. Đối tượng được trả lại đã thực hiện xét nghiệm nhanh từ ngày 1/7 - 9/11/2021 với mức giá 2.000 đồng. Sau khi tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, trả lại số tiền chênh lệch do bộ xét nghiệm nhanh có mức giá nhập vào dao động từ 80.000-178.014 đồng. Tổng số tiền hoàn trả là trên 5,6 tỷ đồng. Đây là lần thứ 5 Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và Sở Y tế tỉnh ra thông báo hoàn trả số tiền chênh lệch xét nghiệm COVID-19.
Hiện Sở Y tế tỉnh Kon Tum đang tổng hợp danh sách hoàn trả từ các đơn vị trực thuộc. Sau đó, số tiền không hoàn trả do người xét nghiệm nhanh trong khoảng thời gian trên không đến làm thủ tục nhận tiền sẽ được nộp ngân sách Nhà nước theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo thông báo của Sở Y tế, đến hết tháng 4/2023, các đơn vị thuộc Sở Y tế đã trả lại cho các đối tượng xét nghiệm nhanh COVID-19 số tiền gần 460 triệu đồng, còn lại hơn 5,2 tỷ đồng chưa thể trả lại được.