Truyền máu hoàn hồi hay còn gọi là truyền máu tự thân là phương pháp lấy máu của bệnh nhân để truyền lại cho chính bệnh nhân thông qua thiết bị là máy Cell Saver. Trong các phương pháp truyền máu hoàn hồi, hiện đại nhất là sử dụng hệ thống máy lọc máu tự động Cell Saver. Hệ thống máy này cho phép thực hiện tự động các khâu của quá trình thu gom máu bao gồm lấy máu chảy từ phẫu trường, hòa trộn với chất chống đông máu, thực hiện chu trình lọc rửa hồng cầu, thu lại lượng hồng cầu sau quá trình rửa để truyền lại cho bệnh nhân.
Quá trình này được thực hiện một cách nhanh chóng từ khi máu được hút về hệ thống máy tự động, nhờ vậy lượng máu chảy do vỡ các mạch máu của bệnh nhân gần như được lấy truyền lại ngay lập tức cho chính họ. Hiện nay, phương pháp này được áp dụng trong phẫu thuật cho bệnh nhân trong trường hợp thân nhân có yêu cầu mổ nhưng không muốn truyền máu.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường, Giám đốc Y Khoa Bệnh viện Quốc tế City, nhờ phương pháp truyền máu hoàn hồi này mà mới đây Bệnh viện Quốc tế City đã phẫu thuật, cắt bỏ được khối u gan với đường kính khoảng 10 cm cho một bệnh nhi 11 tuổi. Đây cũng là trường hợp đầu tiên mà trong 34 năm làm nghề bác sĩ chấp nhận thực hiện do yêu cầu từ người nhà bệnh nhi.
“Khi mổ u gan, khả năng chảy máu nhiều cần truyền máu là điều chắc chắn phải làm. Thêm vào đó là rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra như tử vong, suy thận, rối loạn đông máu, khả năng phải lọc máu… Tuy nhiên, vì tôn trọng quyết định của gia đình bệnh nhân không cho truyền máu nên bệnh viện chọn phương pháp truyền máu hoàn hồi”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường, phương pháp truyền máu hoàn hồi đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của phương cách truyền máu đồng nhóm cổ điển, đồng thời giảm áp lực thiếu máu cho bệnh viện cũng như cho ngành y nói chung.