Nữ bệnh nhân ở độ tuổi 20 đã được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago trong 6 tuần. Tại đây, bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào máy trợ tim và phổi. Đến tháng 6 này, tình hình phổi của bệnh nhân không những không hồi phục mà còn có dấu hiệu xơ hóa giai đoạn cuối, phổi trái xuất hiện nhiều lỗ thủng lớn, khiến bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Do vậy, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật thay phổi.
Trước khi được ghép phổi, bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các y bác sĩ phải ngày đêm theo dõi để đảm bảo bệnh nhân đủ điều kiện phẫu thuật. Ngày 5/6 vừa qua, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng các bác sĩ vẫn phải mất tới 10 giờ đồng hồ, thay vì 6 giờ như thường lệ, để thực hiện cuộc phẫu thuật vô cùng phức tạp, một phần do phổi của bệnh nhân bị dính vào các cấu trúc xung quanh và rất khó để loại bỏ. Với việc thực hiện thành công ca ghép phổi phức tạp này, các bác sĩ hy vọng có thể phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân COVID-19 khác cũng đang phải phụ thuộc vào máy trợ thở vì phổi bị tổn thương nặng.
Cho đến nay, nữ bệnh nhân nói trên đã tỉnh táo và có thể trò chuyện qua điện thoại với người thân. Tuy nhiên, cô vẫn phải dùng máy thở và hô hấp bằng phương pháp mở khí quản. Bệnh nhân đang dần hồi phục và có thể ra viện trong một vài tuần tới. Trường hợp một thanh niên mắc COVID-19 bị tổn thương phổi nặng như vậy rất hiếm gặp, do đó các bác sĩ mong muốn nghiên cứu bệnh nhân này kỹ hơn để tìm hiểu nguyên nhân.
Tháng 3 vừa qua, các bác sĩ Trung Quốc cũng thực hiện thành công một cuộc phẫu thuật tương tự. Ca ghép 2 lá phổi đầu tiên diễn ra vào năm 1986 tại Toronto, Canada, do bác sĩ G. Alexander Patterson thực hiện. Ông cũng là người thầy của một trong các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật ngày 5/6 tại Mỹ.
Theo các bác sĩ Mỹ, phẫu thuật ghép phổi không chỉ cứu sống các ca bệnh nặng, mà còn giúp ích cho các bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục nhưng vẫn chịu những tổn thương hệ hô hấp vĩnh viễn. Tuy nhiên, tại Mỹ không có đủ người hiến phổi, khiến thời gian chờ đợi có thể lên tới 3-6 tháng. Các bác sĩ hy vọng trong tương lai công nghệ sẽ giúp giải quyết phần nào bài toán khó này.