Ngày 23/2, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, tại 165 trung tâm VNVC trên toàn quốc đã tổ chức tiêm vaccine phòng viêm não mô cầu nhóm B thế hệ mới cho hàng nghìn trẻ em và người lớn. Vaccine phòng viêm não mô cầu nhóm B thế hệ mới do Tập đoàn dược phẩm GSK (Anh) sản xuất tại Ý.
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, trước đó, các cơ sở tiêm chủng tại Việt Nam sử dụng vaccine viêm màng não mô cầu nhóm B, C của CuBa. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, nguồn cung ứng vaccine này thường xuyên bị khan hiếm trong khi nhu cầu sử dụng cao, khiến cho nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine này theo phác đồ. Sau gần 40 năm, đến nay Việt Nam mới có thêm một loại vaccine phòng bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B cho trẻ em từ 2 tháng tuổi và mở rộng lên đối tượng người lớn đến 50 tuổi.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu trước đây tại Việt Nam được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng hoặc 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, với vaccine phòng viêm màng não mô cầu B thế hệ mới này, ngoài công nghệ sản xuất tiên tiến còn có hiệu quả bảo vệ cao hơn lên đến 94%, đồng thời còn bảo vệ sớm khi tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 50 tuổi.
Vaccine não mô cầu B thế hệ mới có thể tiêm đồng thời với các vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà vô bào, uốn ván, Hib, bại liệt bất hoạt, viêm gan B, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu và não mô cầu cộng hợp nhóm A, C, Y, W.
“Ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện và giảm nồng độ kháng thể bảo vệ từ mẹ dẫn đến khả năng diệt khuẩn thấp là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Nhóm trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là nhóm dưới 5 tháng tuổi. Việc tiêm sớm vaccine cho trẻ ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng như di chứng do não mô cầu nhóm B gây ra”, bác sĩ Bạch Thị Chính phân tích.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, viêm màng não do não mô cầu (nhóm B) là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ từ khi phát bệnh hoặc gây gánh nặng tàn tật suốt đời cho người sống sót như điếc, mù loà, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ… Bệnh thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán dẫn đến khó điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu càng khó nhận diện.
Bên cạnh đó, bệnh để lại gánh nặng lớn về tinh thần, kinh tế cho người bệnh và người thân trong gia đình. Tại Việt Nam, các ca bệnh viêm màng não mô cầu được điều trị cũng tốn chi phí hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, chưa kể các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho người có các di chứng sức khoẻ nặng sau này; tuổi càng nhỏ, chi phí điều trị và theo dõi các di chứng lâu dài càng lớn.
Để phòng bệnh do não mô cầu khuẩn, các chuyên gia khuyến cáo trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, nhất là người mắc các bệnh lý mạn tính cần tiêm vaccine phòng ngừa sớm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bạch Thị Chính, hiện vaccine phòng viêm màng não mô cầu chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao, dẫn đến số người có miễn dịch phòng bệnh rất thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ người mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện là nguồn phát tán mầm bệnh ra cộng đồng khó kiểm soát.
Theo thống kê, có khoảng 10% người lành mang trùng bệnh trong dân số. Tỷ lệ người lành mang trùng có thể gia tăng lên đến 50% khi dịch bệnh xảy ra. Tỷ lệ mang mầm bệnh cao nhất và lây cho các nhóm còn lại là thanh thiếu niên và thanh niên có hoạt động giao lưu, tiếp xúc nhiều.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não và 135.000 ca tử vong do vi khuẩn não mô cầu. Tại Việt Nam, theo thống kê từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), viêm màng não mô cầu có tỷ lệ mắc cao lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân. Mỗi năm, nước ta vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc viêm màng não do não mô cầu các nhóm khác nhau.