Lần đầu tiên Việt Nam ghép thành công tế bào gốc tạo máu không cùng huyết thống

Đây là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, mở ra hướng đi mới và hi vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho tế bào gốc cùng huyết thống phù hợp.

Ngày 16/11, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (TP Hồ Chí Minh) công bố đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam.

Họp báo công bố lần đầu tiên Việt Nam ghép thành công tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống. Ảnh: BV

Theo đó, anh Q.D.A (sinh năm 1992, ngụ tại Cà Mau), vào viện điều trị ngày 15/5 và được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML), không tìm được người cho tế bào gốc có cùng huyết thống. Ngày 1/7, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã khởi động chương trình tìm người hiến tế bào gốc tại Trung tâm Tzu Chi (Đài Loan, Trung Quốc).


Đến ngày 14/7, Trung tâm Tzu Chi thông báo đã tìm được ứng cử viên hiến tế bào gốc có HLA phù hợp hoàn toàn với người bệnh. Đến ngày 20/9, bệnh viện đã thực hiện ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam cho anh Q.D.A với mẫu tế bào gốc được cung cấp bởi Trung tâm Tzu Chi.


Bác sĩ CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu – Huyết học, cho biết ca ghép được theo dõi sát bởi đội ngũ chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm ghép tế bào gốc tạo máu của bệnh viện Truyền máu - Huyết học. Sau gần 2 tháng thực ghép tế bào gốc tạo máy từ máu ngoại vi, sức khỏe anh Q.D.A dần ổn định, kết quả xét nghiệm xác định tỉ lệ mọc mảnh ghép (Chimerism) cho thấy 100% tế bào là của người hiến tặng tế bào gốc. Đây là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, mở ra hướng đi mới và hi vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho tế bào gốc cùng huyết thống phù hợp.


Hiện nay, chi phí cho mỗi ca ghép này tại Việt Nam khoảng 800 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả 60%. Chi phí tại Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với Singapore và bằng 1/5 so với Đài Loan.


Theo bệnh viện Truyền máu - Huyết học, từ năm 1995, bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật dị ghép tế bào gốc tạo máu (ghép đồng loại). Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là nhiều trường hợp người bệnh không tìm được người cho tế bào gốc phù hợp HLA đồng huyết thống. Trong khi đó, cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có Ngân hàng tế bào gốc từ nguồn người hiến tình nguyện. Do đó, một số trường hợp người bệnh phải ra nước ngoài để tìm nguồn tế bào gốc phù hợp.


Nhằm mở rộng nguồn tìm kiếm mẫu tế bào gốc phục vụ cho việc điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã làm việc với một số đối tác là các Ngân hàng tế bào gốc lớn ở nước ngoài, trong đó có Trung tâm ghép Tzu Chi. Trung tâm ghép Tzu Chi là một trong những Trung tâm lưu trữ tế bào gốc lớn nhất ở châu Á, đã cung cấp tế bào gốc cho các cơ sở điều trị ở 30 quốc gia trên thế giới với tổng số người bệnh được nhận tế bào gốc là 4.498 người. 


Nhận thấy đây là một đối tác phù hợp và tiềm năng, ngày 15/4/2016, bệnh viện đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm ghép Tzu Chi. Theo thỏa thuận, Trung tâm Tzu Chi sẽ thực hiện xét nghiệm HLA để tìm được người cho thuận hợp HLA hoàn toàn và cung cấp mẫu tế bào gốc cho bệnh thực hiện kỹ thuật ghép đồng loại.


Đan Phương/Báo Tin tức
Người nhóm máu A, B và AB không nên ra đường khi trời ô nhiễm
Người nhóm máu A, B và AB không nên ra đường khi trời ô nhiễm

Những người nhóm máu A, B hay AB có nguy cơ bị đau tim hay tức ngực khi hít phải không khí bị ô nhiễm ở mức cao hơn so với những người nhóm máu O.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN