Chương trình phối hợp của LHQ về phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết ít nhất 40 quốc gia đang trên đà đạt được mức giảm 90% tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS vào năm 2030, trong đó có 9 nước ở khu vực miền Đông và Nam của châu Phi. Theo UNAIDS, trên thế giới có 37,6 triệu người đang sống chung với căn bệnh này tính đến năm 2020. Trong số đó, 27,4 triệu người đang được điều trị, gấp hơn 3 lần so với con số 7,8 triệu người ghi nhận vào năm 2010.
UNAIDS cho biết nhờ việc triển khai chương trình điều trị chất lượng với mức chi phí phù hợp, kể từ năm 2001 đến nay, 16,2 triệu người mắc HIV/AIDS đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Trong 1 thập kỷ qua, số người tử vong do HIV/AIDS đã giảm 43%, xuống còn 690.000 người vào năm 2020, trong đó phần lớn là nhờ liệu pháp kháng retrovirus. Tuy nhiên, tốc độ giảm số người mắc mới bệnh HIV/AIDS đang chậm lại với mức giảm 30% so với năm 2010. Năm 2010, thế giới ghi nhận 2,1 triệu người mắc mới, trong khi số người mắc mới vào năm 2020 vẫn ở mức 1,5 triệu người.
Theo UNAIDS, những bệnh liên quan đến HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 tại khu vực châu Phi Hạ Sahara. Trong khi đó, 6 trong số 7 trường hợp mắc mới ở thanh thiếu niên độ tuổi từ 15-19 tại khu vực này là trẻ em gái.
Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima cho biết bà "lạc quan thận trọng" về việc thế giới có thể đạt được mục tiêu đẩy lùi căn bệnh chết người này vào năm 2030. Theo bà, UNAIDS đang hối thúc các chính phủ tập trung giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn đang cản trở người dân tiếp cận các dịch vụ về HIV/AIDS. Nếu các nước có thể thu hẹp khoảng cách này cho những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao thì thế giới có thể chấm dứt được bệnh HIV/AIDS vào năm 2030.
UNAIDS cũng đặt ra những mục tiêu mới vào năm 2025, trong đó có mục tiêu giúp 95% người có nhu cầu tiếp cận được dịch vụ về HIV/AIDS, giảm số lượng ca nhiễm mới hàng năm xuống dưới mức 370.000 ca và giảm hơn nữa số ca tử vong xuống dưới 250.000 ca. Theo UNAIDS, để đạt được những mục tiêu này, thế giới cần phải đầu tư 29 tỷ USD mỗi năm. Bà Byanyima cũng kêu gọi áp dụng ý chí chính trị trong giải quyết đại dịch COVID-19 cho cuộc chiến chống lại bệnh HIV/AIDS. Bà cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ mắc HIV/AIDS cao nhất, khi mà việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến căn bệnh này trở nên khó khăn hơn do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Do đó, bà kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tập trung vào cuộc chiến chống HIV/AIDS để có thể chấm dứt căn bệnh này vào năm 2030.
Dự kiến, cuộc họp cấp cao lần thứ 5 của Đại hội đồng LHQ về HIV/AIDS sẽ diễn ra từ ngày 8-10/6 tới.