Rước họa vì tin vào quảng cáo
Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google, gõ từ khóa nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ, gọt cằm... là hàng loạt những trang quảng cáo về những dịch vụ trên hiện ra với những từ ngữ hoa mỹ như: nâng mũi siêu cấu trúc với các kỹ thuật hiện đại và chất liệu nâng mũi an toàn mang đến cho bạn chiếc mũi cao ráo tự nhiên như thật; phẫu thuật nâng ngực nội soi với kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ 3D tiên tiến bậc nhất sẽ giúp bạn khắc phục hoàn toàn khuyết điểm của vòng một, đẹp tự nhiên, an toàn và duy trì kết quả lâu dài, không biến chứng ổn định theo thời gian; hút mỡ thừa vùng bụng, hiệu quả an toàn tuyệt đối được FDA Hoa kỳ chứng nhận cho phép sử dụng trên toàn thế giới, không phẫu thuật an toàn tuyệt đối, thực hiện một lần duy nhất...
Không những thế, để tạo độ tin tưởng cho khách hàng "tiềm năng" của mình, các cơ sở làm đẹp này còn thuê cả những nhân vật nổi tiếng livestream trên các trang facebook, Youtube... hoặc liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, bán voucher giảm giá trên các trang mua hàng điện tử với mức giảm lên đến 60 -70%.
Tin vào quảng cáo, chị L. đã phải nhập viện vì chiếc mũi bị lở loét, sưng tấy, nhiều mụn mủ, đau nhức. |
Vì tin vào những lời quảng cáo của các cơ sở làm đẹp, không ít người phải rước họa vào người. Như trường hợp của chị N. T. L. (TP Hồ Chí Minh), tin vào lời quảng cáo của một trang facebook, chỉ sau vài ngày tiêm chất làm đầy dọc hai bên mũi, chị L. đã phải nhập viện vì chiếc mũi bị lở loét, sưng tấy, nhiều mụn mủ, đau nhức khó chịu...
Được biết, trước khi đi tiêm chất làm đầy mũi, chị L. đã lên mạng tìm cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mũi với các từ khóa "ở đâu phẫu thuật mũi đẹp", "nâng mũi giá bao nhiêu", "nâng mũi không cần phẫu thuật"... Thấy trên một trang facebook giới thiệu phẫu thuật thẩm mỹ không cần phẫu thuật và có cả hình trước và sau phẫu thuật của những người đã từng phẫu thuật ở đây, chị L. đã tin tưởng và quyết định đến đây để tiêm chất làm đầy vào dọc hai bên mũi.
Còn chị T.Q. (32 tuổi, TP Hồ Chí Minh) sau khi nghe theo lời quảng cáo nâng mũi cấy chỉ là phương pháp làm đẹp tiên tiến của một trang mạng, chị Q. đã mạnh dạn bỏ ra 25 triệu đồng để làm đẹp. Thế nhưng sau một tuần, mũi chị Q. bị lệch, hắt xì hơi liên tục, đau rát phải đến bệnh viện để mổ rút chỉ.
Một bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ chia sẻ, bản thân bác sĩ cũng bối rối khi khách hàng yêu cầu thực hiện nâng mũi với các thuật ngữ như nâng mũi 3S, 4S... Thật ra, đây là những thuật ngữ do các thẩm mỹ viện, bệnh viện tự đặt ra để làm thương hiệu hoặc với mục đích quảng cáo làm cho khách hàng nhầm tưởng rằng đây là phương pháp nâng mũi mới, hiện đại.
Theo vị bác sĩ này, hiện chỉ có 3 phương pháp nâng mũi chính là nâng mũi thường, nâng mũi bọc thêm một lớp mô tự thân hoặc nhân tạo nếu da mũi mỏng và nâng mũi cấu trúc hay còn gọi là tái cấu trúc.
Quảng cáo quá mức cho phép
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 185 cơ sở khám chữa bệnh có loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm: 7 bệnh viện công lập có khoa hoặc đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 13 bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 9 bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 bệnh viện chuyên khoa tư nhân có đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 4 phòng khám đa khoa tư nhân có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và 150 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo các bác sĩ, những sai phạm hiện nay chủ yếu của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ là tình trạng quảng cáo quá mức so với phạm vi cho phép cũng như quảng cáo không có cơ sở khoa học. Những cơ sở mới chưa có uy tín thì lại càng quảng cáo nhiều và sử dụng mạng xã hội để làm công cụ tìm kiếm khách hàng.
Đa số các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép. |
Điều này thể hiện rõ khi mà hầu như tháng nào thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng xử phạt rất nhiều cơ sở thẩm mỹ với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Theo đó, đầu tháng 11/2017, thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xử phạt Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ Thiện Mỹ (88 Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) số tiền gần 20 triệu đồng vì vi phạm lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; hoạt động có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Trước đó, vào tháng 10, một loạt các thẩm mỹ viện như: Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thuộc công ty TNHH TMV SaiGon Star; thẩm mỹ Vianna... cũng bị thanh tra Sở y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt vì quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Trinh Quốc Khanh, Trưởng khoa Phỏng tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh), nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp đang bùng nổ dưới hiệu ứng của công nghệ truyền thông, quảng cáo nên người dân cần tỉnh táo lựa chọn cách làm đẹp an toàn để tự bảo vệ chính mình.
Để tạo thuận lợi cho người dân, giúp cho người dân và các tổ chức tra cứu nhanh về 2 điều kiện bắt buộc tối thiểu cho một cơ sở hành nghề khám chữa bệnh là giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, tại Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế (medinet.gov.vn) có tích hợp phần mềm ứng dụng “Cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh”. Chỉ cần vào đây tra cứu, sẽ biết được thông tin của cơ sở mà mình đang có ý định đến thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.