Luôn cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập bất cứ lúc nào, người dân cần luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, nếu có xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi.

Chú thích ảnh
Bàn tay người mắc bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận tại các nước. Ảnh: Reuters/TTXVN

Giám sát chặt, phát hiện sớm nếu có ca bệnh

Tính đến ngày 3/6, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên trước tình hình bệnh đang lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là rất cao. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật kịp thời các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

Hiện các cơ sở y tế, các đơn vị chuyên môn đã nâng cao tinh thần cảnh giác, giám sát để sớm phát hiện ca bệnh (nếu có). Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương luôn sẵn sàng công tác chuẩn bị cho việc giám sát, điều trị, phát hiện bệnh đậu mùa khỉ nếu bệnh xuất hiện. Bệnh viện bố trí trung tâm phòng chống dịch, khoa khám bệnh theo yêu cầu là nơi tiếp nhận thông tin, liên hệ của người dân về bệnh đậu mùa khỉ.

Làm rõ thông tin về bệnh đậu mùa khỉ, TS.BS Ngô Thanh Hà, Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Hiện tại bệnh đậu mùa khỉ.

đã bùng phát ở một số nước, đã lan ra nhiều nước. Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ lây từ động vật sang người, với những nước đã có ca bệnh, những người đi du lịch hoặc đến các nước này có khả năng nhiễm bệnh, vì bệnh này đã tồn tại từ lâu và mới nổi ở thời điểm này. Bệnh đậu mùa khỉ có 2 chủng: Một chủng từ Công gô với tỷ lệ tử vong là 10% nếu người mắc phải; và một chủng lưu hành ở Tây Phi có tỷ lệ tử vong thấp hơn (khoảng 1%). Hiện tại chủng đang gây dịch ở Anh và các nước châu Âu được ghi nhận là chủng ở Tây Phi nên số tử vong thấp”.

“Bệnh đậu mùa khỉ được đánh giá tốc độ lây lan không cao nên khả năng khó bùng phát thành đại dịch. Tuy nhiên dịch bệnh là khó đoán trước, nên chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, nếu có xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế.

để được theo dõi”, BS. Ngô Thanh Hà cho biết. Để giám sát kịp thời sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế liên tục có các cảnh báo, đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (như Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone, Nam Sudan…).

Cục Y tế dự phòng cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của WHO); khi phát hiện có ca nghi ngờ, các đơn vị phải báo cáo ngay với sở y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Hiểu biết về bệnh, nâng cao cảnh giác

Theo TS.BS Ngô Thanh Hà, bệnh đậu mùa được ghi nhận nguy cơ cao khi người tiếp xúc với lượng lớn nước bọt có chứa mầm bệnh mới có khả năng lây nhiễm. Bên cạnh đó, bệnh còn lây qua đường niêm mạc, đường máu, tiếp xúc với bề mặt có chứa virus. Đậu mùa khỉ là bệnh do nhiễm virus nên cũng có các triệu chứng ban đầu giống cảm cúm như: Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau mỏi cơ, kèm theo mệt mỏi, chán ăn. Từ ngày thứ 3 trở đi, người bệnh xuất hiện ban trên cơ thể, đầu tiên là xuất hiện trên mặt rồi lan rộng ra toàn thân, tay, chân với ban dạng mụn nước. Ban này sẽ gây tổn thương qua tế bào sinh sản của da, sau khi ban bay đi sẽ để lại sẹo trên da.

“Hiện trong nước chưa có ca bệnh, nhưng chúng tôi khuyến cáo những người đi du lịch tại châu Phi hay những vùng dịch lưu hành cần hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã, các loài gặm nhấm hoặc khỉ. Khi về Việt Nam, nếu có xuất hiện triệu chứng như sốt, đau mỏi người, phát ban trên cơ thể sau 3 ngày cần ngay lập tức báo cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan y tế để được theo dõi, giám sát”, TS.BS Ngô Thanh Hà khuyến cáo.

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Người dân tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh để hạn chế lây lan.

Hàng ngày, mỗi người cần duy trì thói quen thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi. Những người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Đặc biệt, người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người đến từ các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ, hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
WHO cảnh báo virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan
WHO cảnh báo virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1/6 cảnh báo virus đậu mùa khỉ có khả năng đã lây lan mà không bị phát hiện, viện dẫn hàng trăm ca đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại nhiều nước không thuộc châu Phi - nơi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN