Không để người bệnh phải bỏ tiền túi
Vừa qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra khiến nhiều người bệnh không được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.
Các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư khiến nhiều người bệnh phải tự ra ngoài mua mới có đủ phương tiện điều trị bệnh; từ những thứ nhỏ như: Kim truyền, băng gạc, dao mổ… đến các loại thuốc, kể cả thuốc đắt tiền bằng tiền túi của người bệnh, dù đúng ra họ phải được BHYT chi trả khi bệnh viện sẵn có.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) nhận định: “Việc cơ sở y tế phải đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh là một trong những trách nhiệm của cơ sở, được quy định trong Luật BHYT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua. Đó là do đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, vật tư từ các nước, các nguồn nguyên liệu sản xuất từ các quốc gia cũng bị thiếu hụt, giá thành cao… Đặc biệt, các quy định về Luật Đấu thầu thời gian qua còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của việc mua sắm thuốc dẫn tới khó khăn trong việc mua sắm tại các cơ sở y tế. Nhất là nhiều vấn đề sau dịch COVID-19 đã dẫn tới tâm lý e ngại trong mua sắm trong khi nhiều cơ chế, chính sách pháp luật vẫn đang vướng, khó thực hiện… ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh”.
Để giải quyết tình huống này, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người bệnh, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT. Dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến để sớm đưa vào triển khai.
Trong Dự thảo Thông tư có nội dung người bệnh đi mua thuốc, vật tư bên ngoài khi bệnh viện thiếu, sẽ được quỹ BHYT thanh toán, thay vì bỏ tiền túi như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, quyền lợi của người tham gia BHYT cần phải được đảm bảo, nhưng hiện nay chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán BHYT cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc.
Bà Trần Thị Trang nhấn mạnh, đây là điểm mới trong dự thảo Thông tư Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT.
Quy định điều kiện cụ thể để người bệnh được thanh toán
Theo dự thảo Thông tư này, Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh khi đủ các điều kiện như: Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn đó thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám, chữa bệnh; hay không sẵn có thuốc thành phẩm nào chứa hoạt chất mà người bệnh được chỉ định hoặc không sẵn có vật tư y tế phù hợp mà người bệnh được chỉ định sử dụng.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc nào cũng được thanh toán. Dự thảo Thông tư cũng quy định người bệnh, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp mua thuốc, vật tư y tế tại các địa chỉ như: Nhà thuốc của cơ sở y tế, nơi người bệnh điều trị và tại đơn vị cung ứng đáp ứng các điều kiện như đã trúng thầu với cơ sở khám chữa bệnh BHYT; thuốc được sử dụng và thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tại bệnh viện nơi đơn vị cung ứng trúng thầu. Đặc biệt, hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế phải còn hiệu lực.
Để được thanh toán BHYT, người mua cần xuất trình với cơ quan Bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hợp lệ để làm căn cứ thanh toán. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ ban hành quy trình giám định đối với các trường hợp thanh toán từ Quỹ BHYT theo phạm vi điều chỉnh của Thông tư.
Theo Bộ Y tế, để tránh việc lạm dụng quy định thanh toán trực tiếp và để các cơ sở khám, chữa bệnh phải chủ động đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, Bộ Y tế cũng có quy định chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh. Cụ thể, bệnh viện phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu mua sắm, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh. Trường hợp bệnh viện không có đủ thuốc cung ứng cần chuyển người bệnh đến cơ sở có đủ điều kiện cung cấp thuốc, vật tư. Nếu không chuyển, bệnh viện có trách nhiệm hướng dẫn người bệnh mua thuốc bảo đảm chất lượng và thông báo với cơ quan Bảo hiểm xã hội về trường hợp người bệnh tự mua để đảm bảo cho người bệnh được chi trả phù hợp.