Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu đã đưa ra cảnh báo trên trong một báo cáo công bố ngày 8/3, qua đó nhấn mạnh đến vấn đề cần bảo vệ phụ nữ trước nguy cơ sức khỏe từ bia, rượu.
Theo báo cáo của WHO châu Âu, chỉ 21% phụ nữ trên 14 quốc gia châu Âu biết về mối liên quan giữa tiêu thụ rượu và nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và chỉ có 10% nam giới nhận thức vấn đề này.
WHO châu Âu bao gồm 53 quốc gia và bao gồm cả Trung Á. Năm 2022, châu Âu ghi nhận khoảng 600.000 trường hợp ung thư vú. WHO không cung cấp dữ liệu riêng về việc có bao nhiêu trường hợp trong số đó liên quan đến rượu.
Tuy nhiên, cơ quan này đã trích dẫn dữ liệu năm 2020 từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, cho thấy trong số 575.917 trường hợp ung thư vú mới, có 39.248 trường hợp do rượu gây ra, tức chiếm khoảng 7%.
Theo WHO, đối với phụ nữ ở châu Âu, ung thư vú là loại ung thư chính do rượu gây ra, chiếm 66% trong tất cả các trường hợp ung thư do rượu gây ra. Tiêu thụ rượu ảnh hưởng đến mức độ estrogen, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tiến triển của nhiều bệnh ung thư vú. WHO cảnh báo ngay cả mức tiêu thụ rượu tương đối thấp cũng có thể góp phần vào nguy cơ phát triển ung thư vú.
WHO kêu gọi các nước châu Âu thúc đẩy các chính sách quốc gia mới để thay đổi thói quen uống rượu khắp châu lục sau những thay đổi gần nhất vào năm 2010.
Theo thống kê của WHO, ung thư vú là loại ung thư được phát hiện nhiều thứ hai trên thế giới, với 2,3 triệu ca.
Có 14 quốc gia được đưa vào nghiên cứu của châu Âu gồm Áo, Bỉ, Estonia, Pháp, Đức, Ireland, Latvia, Lítva, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển.