Cả hai nạn nhân nhập viện trong tình trạng co giật, tê lưỡi, tê tay chân, đau đầu, người mệt mỏi. Qua khám, khai thác, tìm hiểu các triệu chứng trên của nạn nhân, bác sỹ chẩn đoán bị ngộ độc cá nóc. Nhờ cấp cứu kịp thời, sức khỏe của hai ngư dân đã tạm ổn định, tiếp xúc tốt. Tuy nhiên, các bác sỹ tiếp tục theo dõi điều trị cho hai ngư dân này.
Theo các bác sỹ, những nạn nhân này vừa ăn cá nóc vừa uống rượu. Thực tế chưa nghiên cứu, xác định là rượu có thể làm tăng độc tính khi kết hợp với một số thành phần trong cá nóc hay không. Những dấu hiệu ngộ độc này rất tương xứng với triệu chứng lâm sàng của ngộ độc cá nóc.
Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 19/8, hai ngư dân nói trên và ông N.X.H (quê ở Hà Tĩnh) đánh lưới mực cách quần đảo Nam Du khoảng 50 km và bắt được con cá nóc to nên làm thịt ăn. Con cá này có trứng, các ngư dân nấu canh chua và khi ăn có uống ít rượu. Đến rạng sáng 20/8, ông N.X.H bị co giật và tử vong trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Ông Lĩnh và ông Bình khó thở, co giật, được thuyền viên trên tàu đánh cá đưa vào Trạm Y tế xã An Sơn, sau đó chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải sơ cấp cứu. Hai người tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, hồi sức cấp cứu.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, người dân vẫn thường ăn cá nóc. Tuy nhiên, quá trình làm có thể gan hoặc mật cá bị vỡ lúc làm cá thấm vào da, thịt cá có thể gây ra độc cùng một số yếu tố bên ngoài nên khi ăn kèm cá nóc có thể làm tăng độc tính. Vì vậy, những thức ăn chưa rõ, độc lạ, người dân hạn chế tối đa sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang tiếp nhận ít nhất 3 vụ ngộ độc rượu và thức ăn phải nhập viện. Nếu phát hiện người nhà sau khi ăn thức ăn có dấu hiệu ngộ độc như người lờ đờ, mệt mỏi, co giật, gia đình cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.