Sau khi khỏi bệnh, nhiều F0 lại trở thành “bác sĩ” tư vấn chữa bệnh COVID-19 cho các F0 mới khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, khi các "cựu F0" tư vấn cho F0 mới mắc mua và sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm. Bởi mỗi F0 lại có một triệu chứng khác nhau và cần sử dụng thuốc chữa trị khác nhau.
Chữa COVID-19 bằng toa thuốc... truyền tay
Cách đây 1 tuần, chị Lê Thị Tuyết, ngụ ở thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) thấy mình sổ mũi, mệt nên test nhanh và phát hiện mình "2 vạch" với virus SARS-CoV-2. Ngay sau biết tin chị Tuyết mắc COVID-19, nhiều bạn bè, người thân đã từng mắc COVID-19 nhiệt tình nhắn tin, gọi điện thoại để "tư vấn" cho chị rất nhiều toa thuốc "đặc trị" COVID-19. Các loại thuốc này bao gồm từ thuốc đông y đến tây y để dùng chữa bệnh COVID-19.
Chị Lê Thị Tuyết cho biết: “Nghe tin tôi trở thành F0, các bạn tôi đã giới thiệu tôi mua rất nhiều loại thuốc như hạ sốt, nước sát khuẩn, thuốc kháng viêm, thuốc kháng đông máu… Thậm chí, bạn tôi còn gởi cho tôi một số thuốc đông y có tới 20 gói khác nhau để sử dụng. Mỗi gói thuốc đông y này được người bạn của tôi tư vấn dùng được khoảng 15 lần. Trong gói thuốc đông y này có ghi các thành phần chính như: xuyên tâm liên, tỏi đen, cát cánh, ngưu bàng tử, cam thảo, bạc hà, kinh giới tuệ…”.
“Khi tôi biết mình là F0, tôi cũng khá lo lắng. Nhưng may có bạn bè, người thân trấn an và gởi thuốc uống nên sau gần 1 tuần, tôi đã không còn sổ mũi, ho hay đau họng như những ngày đầu. Đến nay, khi test lại tôi cũng đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lúc dùng thuốc của bạn bè gởi cho, tôi cũng khá lo lắng vì không có sự tư vấn của bác sĩ. Tôi chỉ nghĩ bạn bè dùng đã hết bệnh nên mình cũng dùng cho nhanh khỏi mà không biết liệu sau này có bị làm sao không nữa”, chị Lê Thị Tuyết phân vân.
Cũng giống như chị Tuyết, khi số lượng F0 tăng lên nhanh, các nhóm cộng đồng F0 trên mạng xã hội cũng được lập ra để tư vấn, hỗ trợ cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Trong đó, không ít người là “cựu F0" đã dùng mạng xã hội chia sẻ các toa thuốc điều trị COVID-19 dù không có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Vừa tìm được một toa thuốc trên mạng xã hội thông qua “Nhóm hỗ trợ F0 tại TPHCM”, anh L.D.T, ngụ ở Quận 6 cho biết: “Tôi thấy có rất nhiều nhóm chia sẻ hàng trăm toa thuốc đông y và tây y trong điều trị COVID-19 tại nhà. Những bài thuốc này đều được những “cựu F0” hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ về liều lượng tùy theo từng loại triệu chứng của từng người. Tôi cũng không biết các F0 này có phải là bác sĩ hay không nhưng khi tôi nhắn tin cần tư vấn, tôi thấy họ tư vấn khá nhiệt tình nên tôi cũng tin tưởng và chọn một toa thuốc tây y gồm: thuốc hạ sốt, vitamin C, nước súc họng, thuốc kháng viêm, kháng đông… để về dùng. Tôi còn mua thêm hai toa thuốc nữa để dành cho người thân trong nhà dùng khi mắc”.
Với kinh nghiệm theo dõi và tư vấn, khám chữa bệnh cho các F0 trong đợt dịch thứ tư vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Hòa, chuyên khoa Nội tổng quát cho biết, số lượng F0 tại TP Hồ Chí Minh đang tăng nhanh và số khỏi bệnh cũng tăng. "Gần 1 tuần qua, tôi tiếp nhận không ít bệnh nhân tự ý chữa COVID-19 theo phương thức truyền kinh nghiệm từ các "cựu F0" truyền tai cho nhau. Tuy nhiên, tôi đã khuyến cáo họ không nên dùng những bài thuốc thông qua bạn bè, người thân hay trên các mạng xã hội. Bởi tất cả các toa thuốc dùng cho các bênh nhân F0 đều khác nhau, khi dùng phải tùy theo thể trạng của mỗi người và phải có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Nguyễn Thành Hòa nói.
Cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Hòa, người dân nếu không may bị mắc COVID-19 cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng. Hiện nay, có đến 80% bệnh nhân khỏe mạnh và không có bệnh nền sẽ tự khỏi, 20% có thể diễn tiến nặng hơn về hô hấp, trong đó chỉ có khoảng 5% bệnh nhân nặng thật sự phải vào khoa hồi sức cấp cứu. Vì vậy, đừng quá lo lắng, bi quan nhưng cũng không khinh suất để lây lan cho các thành viên khác trong gia đình. Đôi khi một người có bệnh nền nhưng chưa được phát hiện, chứ không phải không có bệnh nền, dẫn đến nhiều rủi ro về sức khỏe khi trở thành F0.
“Người dân khi trở thành F1 hoặc F0 chỉ cần theo các triệu chứng để chữa bệnh như: sốt thì uống thuốc hạ sốt như Efferalgan, Panadol…; khi ho thì uống các thuốc chữa ho; nhóm các thuốc tiêu chảy; nước súc miệng; cồn sát trùng; các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần); các loại thuốc xịt mũi; các loại vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho; nước uống thông thường, nước bù điện giải… Tuy nhiên, dù là thuốc gì cũng nên có sự thăm khám và chỉ định của bác sỹ để có những quy trình chữa bệnh chuẩn nhất nhằm tránh các biến chứng về sau", bác sĩ Nguyễn Thành Hoà cho biết.
Tương tự, y sĩ Nguyễn Trọng Thắng công tác tại Bệnh viện Quân y 5, Quân khu 3, người từng có kinh nghiệm chữa cho các F0 tại TP Hồ Chí Minh cho biết, khi một bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19, bác sĩ kê toa phải dựa vào phân độ bệnh từ độ 1 đến độ 5, tức từ không triệu chứng đến triệu chứng nhẹ, vừa, nặng và nguy kịch. Tùy theo độ nặng của bệnh, bác sĩ sẽ có các hướng dẫn điều trị khác nhau rất chặt chẽ. Khi cho y lệnh điều trị còn phải cân nhắc đến thể trạng, cân nặng của bệnh nhân và các bệnh đồng mắc để điều chỉnh liều thuốc hợp lý. Bên cạnh đó, bác sĩ còn xét yếu tố tiền sử dị ứng với các loại thuốc đang dự định sử dụng, bệnh nhân có đang mang thai không...
“Tất cả những yếu tố trên phải được bác sĩ cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra chỉ định điều trị cho bệnh nhân, dựa theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành. Đây là hướng dẫn rất sát sao từ đánh giá bệnh nhân, cách điều trị tùy mức độ, chăm sóc, tư vấn tâm lý…”, y sĩ Nguyễn Trọng Thắng nói.
Theo y sĩ Nguyễn Trọng Thắng, hiện nay, một số người dân khi trở thành F0 cách ly, điều trị tại nhà sẽ có tâm lý lo lắng nên cần được trấn an để luôn lạc quan, yêu đời. Khi cách ly tại nhà, F0 có thể thư giãn bằng cách nghe nhạc, giữ cho tinh thần lúc nào cũng thoải mái, vui vẻ; hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, thậm chí dành hẳn một tầng lầu riêng để sinh hoạt, vệ sinh, ăn uống. Khi ra khỏi phòng phải đeo khẩu trang, còn ở trong phòng có thể mở khẩu trang để cảm thấy dễ chịu.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, trong các bài thuốc chữa COVID-19 hiện nay thì nước súc họng, nước bù điện giải, nước thông thường vô cùng quan trọng khi F0 bị sốt và đặc biệt khi nhiễm COVID-19. Vì vậy, người F0 cần uống đủ lượng nước cần thiết để có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài. Đặc biệt, khi là F0 thì phải uống thuốc theo chuẩn đoán của bác sĩ.