Bệnh nhân N.T.C (44 tuổi, ở Hà Nội) bị gù cột sống trong nhiều năm. Cách đây 10 năm, bệnh nhân bị nhiễm HIV do vô tình dẫm vào kim tiêm có chứa virus HIV. Sau đó, cả 2 vợ chồng chị đều bị nhiễm căn bệnh này. Mặc dù mang trong mình bệnh không ai mong muốn, nhưng gia đình anh chị vẫn hạnh phúc với 3 người con đang lớn lên khoẻ mạnh, lành lặn và không bị nhiễm HIV.
Hai vợ chồng luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc vui vén cho gia đình nhỏ. Cuộc đời trớ trêu, không may mắn mắc căn bệnh thế kỷ, người vợ lại mắc thêm bệnh viêm cột sống dính khớp nhiều năm nay. Bệnh mỗi lúc một nặng làm lưng chị gù xuống, không thể nhìn thẳng như những người bình thường, thân hình ngày càng biến dạng, ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần.
Chứng kiến nỗi khổ của vợ, chồng chị quyết tâm chạy chữa tìm mọi giải pháp để giúp vợ. Sau khi thăm khám tại nhiều bệnh viện, các bác sỹ đều xác định chị bị gù do viêm cột sống dính khớp, chỉnh hình cột sống không hề đơn giản, nếu phẫu thuật thì có thể gặp phải rủi ro tai biến và kỹ thuật này chỉ có những bệnh viện lớn, chuyên môn cao mới thực hiện được.
Hơn nữa khi biết chị bị nhiễm HIV, sự ái ngại lại tăng lên gấp nhiều lần và nhiều nơi đã khuyên chị về sống chung với căn bệnh này. Nhưng tình yêu thương của người chồng dành cho vợ không dừng lại tại đây. Sau khi tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin, anh biết đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật chỉnh hình thành công cho nhiều bệnh nhân gù cột sống. Với một tia hi vọng nhỏ nhoi, hai vợ chồng lại một lần nữa khăn gói lên đường.
Tháng 5/2022, chị N.T.C nhập viện. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, anh chị đã gặp Tiến sĩ, bác sĩ Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cột sống, được giải thích, tư vấn về phẫu thuật điều trị, hai vợ chồng chị vui mừng không nói nên lời.
Tiến sĩ Phan Trọng Hậu cho biết: “So với các ca bệnh khác, ca này về mặt phẫu thuật không khó vì việc phẫu thuật chỉnh gù cho bệnh nhân viêm cột sống dinh khớp đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Cái khó ở đây là bệnh nhân bị HIV, ca mổ lâu và mổ mở, môi trường phẫu thuật của bác sĩ là máu và dịch tiết, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, với ca mổ dài 5-6 tiếng, nhiều trang thiết bị thì nguy cơ lây nhiễm rất cao”.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cột sống đã động viên anh em trong kíp mổ và kíp gây mê cố gắng hết lòng vì người bệnh, tự tin vào chuyên môn, kỹ năng và chuẩn bị thật kỹ càng cho cuộc phẫu thuật.
Trong suốt 5 giờ đồng hồ, các bác sỹ đã tập trung cao độ, chú ý từng chi tiết nhỏ nhất. Dao mổ cầm và trao tay cũng phải cẩn thận, chỉ khâu cũng tương tự. Ca mổ diễn ra thuận lợi, bệnh nhân được phẫu thuật cắt 2 vạt xương, cố định cột sống, nắn chỉnh gủ.
Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo và có thể nằm ngửa sau hơn 10 năm phải nằm nghiêng sang 2 bên. Ba ngày sau, chị đã đi lại được bình thường, lưng đã thẳng, tầm nhìn không còn hạn chế, ngoại hình thay đổi một cách ngoạn mục.
Nhìn thấy sự phục hồi sau phẫu thuật của bệnh nhân, các y bác sỹ ê-kíp mổ đều mỉm cười tự hào bởi những nỗ lực vì bệnh nhân đã tạo nên thành quả tốt đẹp, thay đổi cuộc đời của một con người.