Hội thảo Chương trình ‘Vì lá phổi khỏe’ - Những cột mốc đạt được trong quản lý ngoại trú Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vừa diễn ra, với sự tham gia của các chuyên gia y tế của Bộ Y tế, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Phổi Việt Nam, Hội Nhi khoa Việt Nam, Liên chi Hội Hen - Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng TP Hồ Chí Minh, công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về việc phát triển cơ sở hạ tầng y tế tuyến cơ sở, nâng cao kiến thức và năng lực nhân viên y tế và giúp bệnh nhân tăng cường tiếp cận các biện pháp điều trị và quản lý Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở giai đoạn tiếp theo, từ đó giảm thiểu gánh nặng bệnh, nâng cao sức khoẻ và chất lượng sống cho người dân.
Theo các chuyên gia, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh tiến triển theo thời gian, gây khó thở và các biến chứng nghiêm trọng khác, đe dọa mạng sống người bệnh. Trên toàn cầu, ước tính có 251 triệu ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong năm 2016 và gây ra 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm, xếp hàng thứ 3 trên toàn cầu trong số nguyên nhân gây tử vong của các loại bệnh.
Tại Việt Nam, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên. Tình trạng này bắt nguồn từ việc ô nhiễm môi trường, khói bụi, thuốc lá… ngày càng trầm trọng.
Cũng là một vấn đề sức khỏe toàn cầu có xu hướng gia tăng qua các năm, hen phế quản là bệnh viêm đường thở mạn tính ở người lớn và trẻ em, không lây nhiễm, ảnh hưởng tới 4,4% dân số toàn cầu.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có tới 461,000 trường hợp tử vong do hen trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, tỉ lệ hen phế quản chiếm 4,1% dân số, tương đương hơn 4 triệu người.