Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm
Trước đó, tại Trung Quốc, ngày 13/11/2023 đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc Trung Quốc.
Ngày 26/11/2023, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do hiện đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường.
Tại Malaysia, Singapore số mắc COVID-19 theo tuần ghi nhận gia tăng từ 50 - 100%; tại Singapore, số nhập viện do COVID-19 ghi nhận tăng khoảng 65% trong tuần từ 26/11 - 2/12/2023. Cơ quan Y tế các quốc gia này nhận định nguyên nhân gia tăng trở lại số mắc COVID-19 là do giảm khả năng miễn dịch của người dân và gia tăng giao thương trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm.
Tại Campuchia, trong các ngày 23 và 24/11/2023 ghi nhận thêm 2 ca mắc cúm A/H5N1 ở người; tích lũy năm 2023, Campuchia đã ghi nhận 6 ca mắc ở người, trong đó có 3 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà..., tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
"Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền", Tiến sĩ Hoàng Minh Đức cho biết.
Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với COVID-19 và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023 - 2025 theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.
Đối với cúm gia cầm độc lực cao (cúm A/H5N1), trong năm 2023, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc ở người; tuy nhiên theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông), dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương.
Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển; đồng thời hiện cũng bắt đầu có xu hướng tăng nuôi gia cầm chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán 2024 nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Để chủ động ngăn chặn cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đã có văn bản số 7910/BYT-DP đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh
Để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như:
Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.
Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.