Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh nỗ lực chuyển đổi số - Bài 1: Những bước 'chuyển mình' đầu tiên

Chuyển đổi số y tế là một trong 8 ưu tiên hàng đầu của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chú thích ảnh
Phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống robot Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Tại TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua, các đơn vị y tế đã sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người bệnh giúp cải thiện bộ mặt ngành y tế. Song, quá trình chuyển đổi số của ngành y tế TP Hồ Chí Minh vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tầm vóc của một địa phương năng động, sáng tạo nhất cả nước. Trước tình hình trên, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết nêu rõ những bước chuyển mình đầu tiên từ công nghệ cũng nhưng những rào cảnh đối với ngành y tế Thành phố.

Bài 1: Những bước "chuyển mình" đầu tiên 

Năm 2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, cải tiến nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân. Dù Đề án mới được phê duyệt nhưng trong thời gian qua, bước tiến ứng dụng công nghệ thông tin tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã để lại những dấu ấn đậm nét.

Y tế đang dần “thông minh” hơn

Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bệnh viện cũng như khám, chữa bệnh. Bệnh viện đã số hóa hầu hết các chứng từ để tinh gọn bộ máy, giảm tải sức người, tiết kiệm thời gian, chi phí. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, trong hơn 10 năm qua, đơn vị đã số hóa hầu hết các chứng từ, giấy tờ chuyên môn, hồ sơ bệnh án, các giấy tờ phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Hiện nay, đơn vị đang thí điểm bệnh án điện tử tại 4 khoa và dự kiến triển khai toàn bệnh viện trong hai năm tới. Đơn vị cũng triển khai các ứng dụng tiện ích cho người bệnh như: thẻ khám bệnh thông minh, thanh toán điện tử qua thẻ, app, QR Code, POS... Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước tự xây dựng phần mềm đấu thầu thuốc thông minh, số hóa toàn bộ công đoạn của quy trình đấu thầu thuốc, xây dựng các phần mềm duyệt thuốc online, quản l‎ý sử dụng kháng sinh...

Bắt đầu từ tháng 2/2020, Bệnh viện Thống Nhất đưa vào sử dụng thẻ thông minh để phục vụ người bệnh hiệu quả hơn. Theo đó, mỗi người dân khi đến khám bệnh tại đây đều được phát một thẻ khám bệnh thông minh được dùng để đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến, lựa chọn bác sĩ, phòng khám theo yêu cầu, thanh toán viện phí và các dịch vụ cận lâm sàng ngay tại các ki-ốt được đặt ở các lối đi.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hân, Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, từ khi đưa vào sử dụng thẻ khám bệnh thông minh, bệnh nhân đã giảm được thời gian chờ đợi. Trong khi đó, nhân viên y tế cũng giảm bớt áp lực công việc.

Đưa mẹ đi khám bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Thống Nhất, anh Hồ Hữu Hào (ngụ quận Tân Bình) cho biết, trước đây mỗi lần đi khám bệnh, hai mẹ con anh phải dậy từ sớm xếp hàng bốc số, đóng tiền khám; sau đó cứ mỗi một lần xét nghiệm, X-Quang lại phải xếp hàng, đóng tiền rất mất thời gian. Tuy nhiên, khi bệnh viện sử dụng thẻ khám bệnh thông minh đã giúp anh giảm được một nửa thời gian chờ đợi.

Bên cạnh đó, việc tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế vào Căn cước công dân gắn chip (do ngành y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện) đã giúp người dân khi đi khám, chữa bệnh không cần thẻ Bảo hiểm y tế như trước đây. Nhờ đó, người dân không lo việc quên thẻ Bảo hiểm y tế; nhân viên y tế không mất thời gian thao tác, nhập liệu thông tin. Theo thống kê của các bệnh viện, khoảng 80% người dân tham gia khám, chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế. Do đó, việc tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế vào Căn cước công dân gắn chip đã giúp cả người bệnh và các bệnh viện thuận tiện hơn và tiết kiệm thời gian, công sức.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong nhiều năm thực hiện chuyển đổi số hướng đến y tế thông minh, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn đã trang bị các phần mềm công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý và vận hành bệnh viện gồm: 22/55 bệnh viện có phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), 53/55 bệnh viện triển khai hệ thống thông tin phòng xét nghiệm (LIS), 36/55 bệnh viện triển khai hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS) và hệ thống thông tin lưu trữ, thu nhận hình ảnh (PACS), 41/55 bệnh viện đã xây dựng Kế hoạch triển khai bệnh án điện tử.

Nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong khám, chữa bệnh, nhiều đơn vị của ngành y tế đã đồng loạt triển khai nhiều ứng dụng để tăng thêm tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện như: ki-ốt tự đăng ký khám bệnh, tự tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc, thẻ khám bệnh thông minh, đặt lịch khám trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt… bước đầu mang đến sự hài lòng cho người bệnh.

Người dân bắt đầu được thụ hưởng trí tuệ nhân tạo

Một trong những “điểm sáng” của ngành y tế TP Hồ Chí Minh là có những bước đi đầu tiên trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Dù bị ho ra máu trong thời gian dài nhưng ông Võ Văn Dũng (71 tuổi, ngụ xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) chưa có điều kiện vào đất liền để khám bệnh. Thật may mắn, sáng 18/11, ngay tại Trạm Y tế xã Thạnh An, ông Dũng đã được chụp X-Quang phổi bằng hệ thống máy hiện đại có tích hợp trí tuệ nhân tạo. Chỉ vài phút sau, bác sĩ Trạm Y tế Thạnh An đã kết nối với bác sĩ tuyến trên đưa ra chẩn đoán bệnh và kế hoạch điều trị cho ông Dũng. Ông Dũng chia sẻ, ông rất bất ngờ khi việc khám bệnh lại diễn ra nhanh chóng tại trạm y tế xã. Từ nay, những người như ông không phải lặn lội từ đảo vào đất liền để khám bệnh.

Đây là lần đầu tiên một trạm y tế xã được trang trị máy X-Quang tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh cho người dân. Nhờ đó, các bác sĩ tại Thạnh An dễ dàng hội chẩn từ xa với các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố.

Trước đó, Bệnh viện Quận 11 cũng sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo DrAid™ trong việc chẩn đoán các ca nghi mắc COVID-19; giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu bất thường dựa trên ảnh X-quang ngực thẳng trong vòng chưa đầy 5 giây. Theo bác sỹ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quận 11, nhiều trường hợp bệnh đã được trí tuệ nhân tạo phát hiện và đưa ra những hỗ trợ chẩn đoán hợp lý. AI phát hiện dấu hiệu bất thường, mô tả rõ từng chi tiết các vị trí tổn thương phổi khiến khối lượng công việc của bác sỹ được giảm tải. Ngoài ra, phần mềm cũng giúp bác sỹ chẩn đoán đúng bệnh - đúng người - đúng thời điểm. Đến nay đã có hơn 5.537 ca chụp X-Quang phổi với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo tại Bệnh viện Quận 11.

Những năm gần đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động khám, chữa bệnh; đặc biệt nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bác sĩ tham khảo và đưa ra phác đồ điều trị nhiều bệnh nguy hiểm. Đơn cử như: Bệnh viện Ung bướu với phần mềm “IBM Watson for Oncology” sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất cho mỗi người bệnh ung thư. Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh sau 24 giờ kể từ thời điểm đột quỵ, giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân. Mỗi năm có khoảng 1.000 bệnh nhân đột quỵ được chẩn đoán chính xác tỷ lệ đột quỵ não và được can thiệp, cứu sống kịp thời nhờ vào phần mềm RAPID. Đặc biệt, có những trường hợp đã được cứu sống “ngoạn mục” dù đã quá 36 giờ đồng hồ sau đột quỵ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não – Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh, nhờ có phần mềm RAPID, các bác sĩ đã có những chẩn đoán chính xác, đưa ra quyết định can thiệp nhanh, phù hợp hơn và cứu sống được nhiều người, trong đó có những bệnh nhân còn rất trẻ.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp giảm tải cho bác sĩ ở các bệnh viện Thành phố mà còn hỗ trợ các bác sĩ ở tuyến quận, huyện, trạm y tế trong việc chẩn đoán bệnh chính xác và hiệu quả hơn. Cụ thể như chương trình Triển khai hoạt động hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến cuối cho 48 trạm y tế mô hình điểm nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại trạm y tế thông qua ứng dụng “teleconsultation” kết nối bác sĩ trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện Thành phố để được tư vấn chuyên môn, hội chẩn từ xa.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trong thời đại công nghệ 4.0, ngành y tế Thành phố không đứng ngoài cuộc và trí tuệ nhân tạo đang mở ra tương lai mới.

Bài 2: Vẫn còn nhiều rào cản

Đinh Hằng (TTXVN)
Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh nỗ lực chuyển đổi số - Bài 2: Vẫn còn nhiều rào cản
Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh nỗ lực chuyển đổi số - Bài 2: Vẫn còn nhiều rào cản

Không thể phủ nhận lợi ích chuyển đổi số mang lại cho người dân, trong đó, chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng nâng cao, người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, giảm chi phí khi đi khám, chữa bệnh. Thế nhưng đến nay, vấn đề chuyển đổi số của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh còn chậm, manh mún, không đồng bộ, chưa thể phát huy hiệu quả như mong đợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN