Phục hồi nhanh chóng
TS. BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Bộ Y tế có các cơ chế tháo gỡ, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện được một số gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế, thuốc men.
Đặc biệt, khi có Nghị định số 07 một loạt vật tư tiêu hao trước đây không thông quan được thì đã thông quan ồ ạt. Sau khi Nghị quyết số 30, Nghị định số 07 được ban hành, bệnh viện tiến hành các gói sửa chữa, mua sắm linh kiện thay thế; đến nay đã có thêm 1 máy CT phục vụ cấp cứu được đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 30 tháo gỡ việc cho phép thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) khi sử dụng máy đặt máy, máy mượn và thiết bị y tế đã tặng cho bệnh viện nhưng chưa kịp làm thủ tục để nhập vào tài sản quốc gia; giải tỏa được những vướng mắc trong công tác chẩn đoán bệnh, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh.
Bệnh viện Bạch Mai cũng được thụ hưởng hai dự án đầu tư của Nhà nước để mua thiết bị y tế, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhờ được tháo gỡ, bệnh viện đã mua sắm thành công 7 Hệ thống Phẫu thuật Nội soi (trong đó có 2 Hệ thống Phẫu thuật Nội soi 3D); 19 Hệ thống Nội soi tiêu hóa; hơn 120 dây nội soi dạ dày, đại tràng các loại; Máy X quang đo Mật độ xương; 16 Máy Siêu âm mầu, 9 Hệ thống X quang kỹ thuật số; các thiết bị cho trung tâm phục hồi chức năng; các thiết bị cho 2 phòng mổ như Đèn mổ, bàn mổ, máy Gây mê, Monitor, 1 máy X quang C Arm kỹ thuật số… Đặc biệt, lần đầu tiên bệnh viện cũng đấu thầu mua thành công đồng thời 4 Hệ thống chụp Cộng hưởng và đã đưa vào hoạt động.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, với hệ thống trang thiết bị đã mua sắm, sẽ giải quyết rất tốt tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh; nếu vận hành thông suốt, sẽ hạn chế được tình trạng người bệnh phải chờ đợi kết quả khám đến tận hôm sau, mà có thể có kết quả khám ngay trong ngày.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm 2023, hoạt động khám, chữa bệnh đã phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19; các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng được triển khai; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế là trên 90%. Các thể chế, chính sách, văn bản pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung không chỉ giải quyết các vướng mắc, bất cập trước mắt mà còn các chính sách phát triển dài hạn của ngành Y tế.
Không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Nếu như trước thời điểm dịch COVID-19, ít được người dân tin tưởng lựa chọn để khám và điều trị bệnh; thì hiện nay, Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã được biết đến nhiều hơn và được người dân lựa chọn là nơi khám và điều trị bệnh. Điểm nổi bật trong công tác điều trị của Bệnh viện huyện Bình Chánh là triển khai hoạt động hệ thống DSA, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, như: Chụp động mạch vành, nong và đặt stent động mạch vành, đặt máy tạo nhịp.
Bác sĩ Phạm Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết, từ tháng 8/2022 bệnh viện bắt đầu thực hiện can thiệp mạch vành lần đầu tiên. Từ đó đến nay, bệnh viện đã thực hiện can thiệp mạch vành, đặt sten thôm tim, đặt máy tạo nhịp thành công cho hơn 100 trường hợp. Trong thời gian qua, bệnh viện đã hợp tác với Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu nối mạch máu, thần kinh, thay khớp; phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng- Điều trị Bệnh nghề nghiệp hỗ trợ chuyên môn phục hồi chức năng và thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu; phối hợp với Bệnh viện Nhân Dân 115 hỗ trợ thành lập đơn vị đột quỵ mạch máu não, thận nhân tạo, nội soi can thiệp, phát triển ngoại tiết niệu; Viện Tim TP Hồ Chí Minh… để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
“Nếu như trước đây bệnh nhân bị bệnh nặng hay phải thực hiện các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, khiến thời gian tiếp cận điều trị của bệnh nhân cũng kéo dài. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ chuyển giao chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên và được trang bị trang thiết bị hiện đại, cử bác sĩ đi học, tỷ lệ chuyển tuyến của bệnh viện đã giảm, số lượt khám bệnh nhân khám tưng năm cũng tăng khoảng 20%”, bác sĩ Phạm Nguyễn Anh Vũ chia sẻ.
Còn tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), vượt qua nhiều khó khăn, bệnh viện vẫn nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đưa vào triển khai các kỹ thuật mới chuyên sâu của nhiều chuyên khoa như: Hồi sức Cấp cứu, tim mạch, khối ngoại, ung bướu, đột quỵ… được chuyển giao từ các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố; cải tạo cơ sở vật chất, chuyển đổi số. Hiện bệnh viện đang triển khai thí điểm đọc phim X-quang bằng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh.
“Chúng tôi cũng cải tạo sửa chữa lại cơ sở khám bệnh chữa bệnh được khang trang sạch đẹp hơn. Số bệnh nhân đến khám bệnh cũng tăng 6%, không còn tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều. Đáng lưu ý, chúng tôi còn thu hút được một số chuyên gia tay nghề cao về phục vụ cho bệnh viện. Đặc biệt, việc cung ứng thuốc, vật tư y tế được đảm bảo, người bệnh không phải ra bên ngoài bệnh viện mua như một số thời điểm xảy ra. Dự kiến, trong năm 2024, Bệnh viện TP Thủ Đức sẽ triển khai một số kỹ thuật mới như chạy ECMO cấp cứu cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch ở các khoa hồi sức tích cực; triển khai kỹ thuật mổ ít xâm lấn để giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân và tăng hiệu quả trong điều trị cho người bệnh; kỹ thuật can thiệp cấp cứu bệnh nhân nặng”, BS. Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, năm 2023, ngành Y tế TP đã tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động từ nâng cao năng lực phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế cộng đồng, y tế cơ sở, phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp và các hoạt động nhằm sớm hình thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực. Kết quả hoạt động năm 2023 cho thấy, sự phục hồi của ngành Y tế TP trong tất cả hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân như giai đoạn trước đại dịch, với số lượt khám chữa bệnh ngoại trú tăng 11% so với năm 2022 và tăng 6% so với năm 2020.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhờ nỗ lực đề xuất, giải quyết kịp thời các vướng mắc vừa qua, ngành Y tế đã thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao năm 2023; đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cục thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Công tác khám bệnh, chữa bệnh được hồi phục sau hơn 3 năm phòng chống dịch COVID-19. Năm 2023, số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện, một số bệnh viện có số lượng tăng hơn trên 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều thành tựu y khoa đã được ghi nhận như: Ca ghép đa tạng tim - thận cùng lúc của tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức; ca ghép tạng xuyên Việt do Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phối hợp thực hiện; ca phẫu thuật nội soi điều trị nang ống mật chủ cho bệnh nhân Australia tại Bệnh viện Xanh Pôn (Việt Nam là một trong hai nước trên thế giới triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ trong điều trị nhiều căn bệnh nguy hiểm)...
Những thành tựu trên khẳng định trình độ ngày càng cao của các y, bác sĩ và sự phát triển vượt bậc của nền y học Việt Nam. Sự phát triển này không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong nước, mà còn thu hút ngày càng nhiều người bệnh nước ngoài sang Việt Nam khám, chữa bệnh; đồng thời, đội ngũ cán bộ y tế vẫn luôn nỗ lực không ngừng, hướng tới chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân tạo được sự hài lòng của người bệnh.