Ghi nhận sơ bộ, tháng 7 và tháng 8, có khoảng 730 ca điều trị đau mắt đỏ; trong tháng 9 đã có hơn 1.000 ca. Để hạn chế tình trạng lây lan bệnh đau mắt đỏ, ngành Y tế và ngành Giáo dục Hải Phòng đã có những khuyến cáo cụ thể để người dân và các em học sinh chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Cùng con trai đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Nga, nhà ở xã An Đồng, huyện An Dương cho biết, chị là người đầu tiên trong nhà bị đau mắt đỏ và không rõ nguồn lây. Sau khi ngủ dậy, chị thấy mắt cộm và rất khó chịu. Cả 3 con của chị Nga đều lây bệnh ngay sau đó. Bị đau mắt đỏ ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống thường ngày của gia đình chị. Mẹ nghỉ làm, con nghỉ học, cả nhà luôn cảm thấy khó chịu ở vùng mắt.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng cho biết, để phòng, chống đau mắt đỏ, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn tay bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt, nhỏ mũi, không dùng chung đồ đạc nhất là thuốc nhỏ mắt với bệnh nhân. Khi bị bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để điều trị.
Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng đặc biệt lưu ý, dù bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm đến tính mạng song nếu không điều trị đúng, kịp thời có thể sẽ gây các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc. Khi bị bệnh, bệnh nhân tuyệt đối không sử dụng cách điều trị không khoa học như xông bằng lá trầu không, đắp thuốc, thậm chí có trường hợp còn nhỏ nước chanh vào mắt... để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Đối với công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Bệnh viện Mắt Hải Phòng đã tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức điều trị bệnh cho tuyến y tế cơ sở, phối hợp với các cơ quan truyền thông để người dân nắm bắt thông tin, chủ động phòng dịch bệnh.
Sở Y tế Hải Phòng cũng đã ban hành văn bản số 2834/SYT-NVY về tăng cường phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, Sở giao các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ bệnh đau mắt đỏ; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng ban hành văn bản 2536/SGDĐT- VP về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, các trường, cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng dịch, tránh lây lan trong cộng đồng.