Người đàn ông đạp xe 51 km để… hiến máu

Với thành tích 62 lần hiến máu, ông Trần Nguyên Dũng (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) là người dẫn đầu danh sách 100 đại biểu tham dự Lễ tôn vinh người hiến máu Việt Nam năm 2017.

62 hiến máu cứu người, ông Trần Nguyên Dũng còn vận động những người xung quanh cùng tham gia hoạt động thiện nguyện này.

Gần 30 năm hiến máu…


Ông Trần Nguyên Dũng cho biết, tình cờ ông đến với công tác hiến máu nhân đạo từ những năm chín mấy, khi cùng đồng đội góp máu để cứu con của một đồng đội mổ thay van tim khi đang công tác tại Quân đoàn 4. May mắn, ca phẫu thuật tim năm đó thành công, cậu bé ngày ấy nay đã là một thanh niên khỏe mạnh, rất có tương lai.


“Vào Bệnh viện Tim, chứng kiến những đứa trẻ nằm chờ đến 8, 9 tháng chưa được mổ vì thiếu máu mới thấy có những mảnh đời khó khăn lắm. Tiền là một chuyện, nhưng khi thiếu máu, có tiền cũng khó mà mua được”, ông Dũng kể.


Cảm nhận được ý nghĩa cứu người của việc hiến máu cứu người, ông Dũng đã hăng hái đăng ký Đội hiến máu tình nguyện của Thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay, ông có đến 62 lần hiến máu; trong đó, đã năm lần tham gia hiến máu trực tiếp cứu bệnh nhân mổ tim.


Ông kể lại, trước kia khi chưa tham gia vào Đội hiến máu tình nguyện của Thành phố, ông cũng từng đi hiến máu khi được một người bạn rủ đi.


"Nghe nói hiến máu tình nguyện, giúp người thì tôi đồng ý ngay. Nhưng hiến xong thì được phát cho mấy ổ bánh mì, một chục quả trứng và 180.000 đồng, tôi thắc mắc hỏi thì mới ngỡ ngàng, hóa ra mình đang đi bán máu chứ không phải hiến máu”, ông Dũng chia sẻ.


Sau đó, ông Dũng còn gặp nhiều người khác chấp thuận bán giọt máu của mình để kiếm bát cơm, manh áo. Họ đi bán máu từ Sài Gòn, Quy Nhơn, Biên Hòa, Bình Dương…, cứ chỗ nào tổ chức bán máu thì họ đi.


Người đàn ông ấy trầm ngâm: “Thấy nhiều người kiếm sống bằng giọt máu thì cũng xót xa, đi bán máu liên tục sức khỏe sa sút, nhưng có cung thì có cầu,  mà có khó khăn quá họ mới phải bán máu như vậy. Chính vì thế tôi mới càng thêm hiểu nhiều người bệnh đang cần đến máu như thế nào. Và cứ mỗi lần đi hiến máu, mỗi lần vào viện chứng kiến những người bệnh mòn mỏi chờ máu thì tôi càng cảm thấy việc làm của mình là cần thiết, dường như mình đang nắm giữ sự sống của họ. Bởi vậy, tôi mới tích cực tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo, tính đến nay đã suýt soát 30 năm”.


Có một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi là lần bỏ công việc để đạp xe đạp từ khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) thử máu và hôm sau lại lên tiếp để truyền máu trực tiếp cho một bệnh nhi bị tim.


Quãng đường 51 km, một thân một mình ông Dũng đạp xe đi, về chỉ để cứu người đã khiến gia đình bệnh nhân vô cùng xúc động vì nghĩa cử cao đẹp. Họ đòi hậu tạ nhưng chẳng những ông từ chối mà còn tặng lại phần quà mình được nhận cho thân nhân người bệnh.


Theo ông Dũng, mỗi lần hiến, ông đều hiến mức tối đa là 2 đơn vị máu, vì khi còn sức khỏe ông muốn chia sẻ nhiều hơn nữa với những người khó khăn và mong muốn cùng góp sức để chia sẻ gánh nặng với nhiều người khó khăn hơn. Người đàn ông hảo tâm cười: “Ông cha ta chẳng bảo, lá lành đùm lá rách đấy mà!”.


Vận động những người xung quanh cùng hiến máu, cứu đời


Ông Trần Nguyên Dũng kể, thời gian đầu khi mới tham gia hiến máu, nhiều người cũng can ngăn vì bảo hiến máu ảnh hưởng sức khỏe. Ông Dũng cẩn thận xin ý kiến bác sĩ, khi được khẳng định, hiến máu nhân đạo không ảnh hưởng sức khỏe, ông lại tiếp tục cuộc hành trình cứu người của mình.


“Nhờ hiến máu mà tôi được thay máu hay sao, tôi khỏe mạnh và thường chẳng đau ốm gì. Dù đã hơn 50 tuổi, nhưng tôi vẫn đi làm, vẫn có thể đi bộ leo núi, như vừa rồi tôi đi Đền Hùng, đi bộ cũng nhiều mà về khỏe re”, ông Dũng hóm hỉnh kể.


Hiện tại, ông Dũng thuộc lực lượng hiến máu dự bị của Đội hiến máu tình nguyện Thành phố Hồ Chí Minh, đội gọi lúc nào là ông sẵn sàng đi hiến máu lúc ấy nên có hôm 12 giờ đêm cũng trong viện để trực tiếp tham gia ca mổ tim, nhiều lúc đang làm cũng xin bỏ dở việc để đi ra hiến máu… Ông bảo: “Tôi không nghĩ là hiến máu nhiều lần thì được tuyên dương, hay có thành tích gì đâu, nhưng mình thấy họ gọi là biết có người đang cần máu. Một mạng sống mà, cái tâm mình giục là mình phải đi ngay”.


Không chỉ tình nguyện hiến máu cứu người, ông Dũng còn vận động người thân và những người xung quanh cùng tham gia hoạt động thiện nguyện này. Bởi vậy, noi gương cha, cậu con trai sinh năm 1993 của ông Dũng trong mấy năm vừa qua cũng đã hiến máu được 13 lần.


Những người xung quanh thuộc khu trọ của nhà ông, có người đã hiến được 15 lần. Ông bảo: “Như cô Thảo, trọ ở nhà tôi, mặc dù là phụ nữ, hiến máu xong cơ thể sẽ bị béo hơn nhưng vì ý nghĩa giúp được người coi như làm phúc mà vẫn kiên trì hiến máu đã vài năm nay rồi”.


Những tấm gương hiến máu tình nguyện như ông Trần Nguyên Dũng thực sự đã giúp lan tỏa nghĩa cử hiến máu cứu người cao đẹp đến với nhiều người. Lượng máu thu gom được hàng năm từ những tấm lòng hảo tâm ấy đã góp phần cứu sống, điều trị cho hàng triệu người bệnh cần truyền máu, không để xảy ra thiếu máu trầm trọng như trước đây.


Kiều Hà/Báo Tin Tức
Phó Chủ tịch nước tiếp Đoàn đại biểu người hiến máu tình nguyện tiêu biểu
Phó Chủ tịch nước tiếp Đoàn đại biểu người hiến máu tình nguyện tiêu biểu

Chiều 13/6, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp Đoàn đại biểu người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN