Vì vậy, thời gian qua, ngành Y tế Ninh Bình đã tập trung nguồn lực, tranh thủ một số cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để tạo lực đẩy giúp y tế cơ sở phát triển, hoàn thành sứ mệnh của mình, đáp ứng sự hài lòng, tin cậy của người dân.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về phát huy vai trò “người gác cổng” của y tế cơ sở.
Bài 1: Tuyến đầu trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Với quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, an toàn cho người dân, các trạm y tế xã, phường, thị trấn ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã phát huy tốt vai trò trong phòng, chống dịch ngay từ tuyến đầu và chăm sóc sức khỏe cho người dân; đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy, hệ thống y tế cơ sở ở Ninh Bình ngày càng được củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động trong tình hình mới. Sự vào cuộc tích cực từ tuyến y tế cơ sở và đồng thuận hưởng ứng của người dân đang tạo được “chốt chặn” vững chắc trong cộng đồng.
Những "người hùng" thầm lặng
Với lòng nhiệt tình, tâm huyết, sau 28 năm công tác, bác sỹ Trần Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đức Long (huyện Nho Quan) luôn hết lòng tận tụy với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, được đồng nghiệp khen ngợi, nhân dân quý mến. Bác sỹ Hồng không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào điều trị cho người bệnh. Nhiều chương trình, mục tiêu về y tế xã đã được Trạm trưởng triển khai hiệu quả như phòng, chống các loại dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe trẻ em, sức khỏe sinh sản... Năm 2015, Trạm Y tế Đức Long được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Không chỉ vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, bác sỹ Hồng còn là tuyên truyền viên y tế nhiệt huyết, luôn gần dân, sát dân; phối hợp chặt chẽ với các thôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao hiểu biết về việc chăm sóc sức khỏe bản thân, thực hiện các chương trình y tế dự phòng và Chương trình quốc gia về Y tế...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền (xã Đức Long), với vai trò trách nhiệm của một Trạm trưởng, bác sỹ Hồng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tình chăm sóc bệnh nhân, thực hiện tốt 12 điều y đức, lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”; được cán bộ và người dân trong xã quý mến. Qua đó, góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương.
Tận tâm phục vụ, lấy nụ cười của trẻ thơ làm niềm vui là suy nghĩ và mong muốn của điều dưỡng Phạm Thị Bích Ngọc (nhân viên điều dưỡng Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn). Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu là nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng, bệnh nhi nhỏ tuổi (có khi chỉ vài ngày tuổi) nên các gia đình rất lo lắng, quan tâm, nhiều khi tạo áp lực cho người điều trị và chăm sóc. Do đó, chị luôn xác định phải kiên nhẫn với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và với chính bản thân mình. Nhiều lần chị đã phát hiện và xử lý kịp thời các ca bệnh khó, giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
Chị Ngọc chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ của chị là lần cấp cứu cho bệnh nhi 7 tuổi người Hà Nội. Đó là vào mùa hè năm 2017, em đi du lịch cùng gia đình, không may bị đuối nước, được các y, bác sỹ Trung tâm Y tế Gia Viễn cấp cứu kịp thời, cứu sống. Những lời cảm ơn từ gia đình bệnh nhân khiến chị thêm ấm lòng và yêu nghề nhiều hơn.
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, chị Ngọc còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động thiện nguyện chung tay vì sức khỏe cộng đồng tại những xã khó khăn trên địa bàn huyện Gia Viễn. Nhiều năm qua, chị đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc và được nhận Bằng khen của UBND tỉnh năm 2022.
Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
Từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay, ngành Y tế Ninh Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ để đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 73,8% số xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn quốc gia về Y tế giai đoạn 2011 - 2020; 73,2% trạm y tế có bác sỹ làm việc… Từ điểm xuất phát là địa phương có hệ thống y tế cơ sở thiếu thốn về trang thiết bị, xuống cấp về cơ sở hạ tầng, đến nay, toàn tỉnh có 143 trạm y tế tuyến xã, 2 bệnh viện đa khoa, 8 trung tâm y tế cấp huyện, thành phố và 10 phòng khám đa khoa khu vực.
Trạm y tế là cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, gần dân nhất, bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Ninh Bình luôn quan tâm chỉ đạo ngành Y tế và các địa phương chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế các trạm y tế. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn, trạm y tế xã có vai trò rất quan trọng, là điểm đến đầu tiên, được người dân tin tưởng, lựa chọn khi đau ốm.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan đánh giá, thông qua các dịch vụ như: Tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình..., y tế cơ sở đã góp phần giảm tải cho tuyến trên, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở hiện nay còn làm tốt công tác dự phòng tích cực, chủ động phòng, chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cho người dân về tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn là tuyến y tế cơ sở trực tiếp, gần dân nhất nên được xem là “người gác cổng”, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đến nay, hầu hết các trạm y tế ở Ninh Bình đã được đầu tư xây dựng khang trang, sự nhiệt tình, chu đáo, ân cần của đội ngũ y, bác sỹ đã tạo được sự yên tâm, tin tưởng cho người dân khi đến khám, chữa bệnh. Do vậy, trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra. Người dân đã chủ động hơn trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài cuối: Tạo đột phá chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân