Sẵn sàng trao tặng một phần cơ thể sống
Buổi chiều, chuông điện thoại của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia vang lên. Nhân viên Trung tâm nhanh chóng cầm máy và nhẹ nhàng chào hỏi, kết nối với đầu dây bên kia.
Sau lời trò chuyện, hỏi thăm ban đầu rồi đề cập đến trường hợp chờ ghép phổi của ca bệnh COVID-19 số 91 đang nguy kịch, người phụ nữ ở đầu dây bên kia giọng nhẹ nhàng nhưng quả quyết: “Tôi xin được tặng một phần phổi của mình nếu có thể và tôi cũng muốn sẽ hỗ trợ kinh phí nếu ca hiến diễn ra…”. Xúc động trước lời đề nghị đó của một người phụ nữ, nhân viên của Trung tâm lặng đi một lúc rồi nói lời cảm ơn và xin tạm thời ghi nhận lại tấm lòng cao quý ấy.
Hay trước đó là một chiến sĩ gọi điện tới Trung tâm và cũng trình bày nguyện vọng muốn tặng phổi cứu bệnh nhân 91. Anh nói rằng, anh là bộ đội cụ Hồ và với tinh thần của một người lính, vì nhân dân và mong muốn được làm điều tốt đẹp đó.
Thậm chí nhiều người gọi điện đến còn chủ động thông báo rõ nhóm máu, chiều cao, cân nặng, thông tin sức khoẻ của mình cũng với mong muốn có thể hiến phổi cứu bệnh nhân 91 đang đối mặt với tử thần…
Từ khi có thông tin bệnh nhân mắc COVID-19 số 91 là phi công người Anh nguy kịch với 2 lá phổi đông đặc, chỉ còn cơ hội sống sót nếu tìm được lá phổi để thay thế; điện thoại của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia liên tục reo lên, những bức thư viết tay, những dòng tin nhắn liên tục gửi tới... họ đều cùng hướng tới nguyện vọng muốn hiến tặng phổi, đóng góp để mong cứu chữa bệnh nhân số 91 mắc COVID-19 là phi công người Anh, dù họ với bệnh nhân chẳng hề quen biết nhau, chẳng cùng dòng máu, dân tộc.
Đến nay đã có khoảng 60 người dân liên lạc đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để liên hệ và đăng ký được hiến tặng một phần phổi của mình để mong có thể để ghép cứu sống bệnh nhân là phi công người Anh. Họ đều là người Việt Nam, ở nhiều độ tuổi khác nhau, có người thậm chí đã 71 tuổi; có người là bác sỹ, điều dưỡng, nhà báo, có người là bộ đội... Nhiều người thậm chí còn bày tỏ được đóng góp kinh phí nếu ca ghép được triển khai…
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ: “Tôi đã nhận được không ít tin nhắn rất xúc động với tâm nguyện cao quý đó. Dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến của bệnh nhân 91 như thế nào, nhưng những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự là nguồn động viên, khích lệ ngành y tế rất nhiều trong việc tận cùng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai”.
Hiện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia vẫn đang chờ các quyết định cuối cùng của hội đồng chuyên môn và cũng đã ghi nhận tấm lòng của những người đăng ký hiến tạng nói chung và những người đã đăng ký hiến phổi cho ca bệnh số 91 nói riêng. Bộ Y tế cũng đã cũng đã kích hoạt hệ thống ghép tạng trên cả nước để tìm kiếm phổi phù hợp cho bệnh nhân.
... tại sao khi chết lại không thể cho đi?
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiến tạng sống là một vấn đề mà ngành y không khuyến khích, vì vậy, để cứu chữa cho bệnh nhân vẫn ưu tiên nguồn hiến từ người cho chết não.
Thực tế, tại Việt Nam đã từng thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống. Đó là trường hợp bệnh nhi 7 tuổi (ở Quản Bạ, Hà Giang), được ghép phổi từ hai người cho sống là bố và bác ruột mỗi người hiến một phần phổi của mình. Ca ghép đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân Y 103 vào tháng 2/2017 đánh dấu bước ngoặt lớn trong thành tựu ghép tạng của Việt Nam; bởi ghép phổi là một kỹ thuật vô cùng khó với những yêu cầu rất khắt khe.
Tuy nhiên, GS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết: “Trong hơn 10 năm qua, chúng tôi hầu như không tuyên truyền về việc hiến tặng tạng người sống, vì thực tế là một người đang khỏe mạnh hiến đi một phần tạng sẽ không còn khỏe mạnh như bình thường như trước được. Trong khi đó, ngày nào cũng có người chết não, tức là sẽ chết, nhưng hàng tháng qua mới có một người chết não hiến tạng”.
Cũng theo GS. Trịnh Hồng Sơn, nhân sự việc nhiều người khoẻ mạnh tình nguyện xin hiến tặng một phần phổi cứu bệnh nhân COVID-19 có thể thấy rằng, nhiều người sống còn tình nguyện hiến tạng được, thì tại sao người chết não lại không thể hiến, tặng, chia sẻ để cứu sống người khác thay vì đem chôn. Sự chia sẻ một phần cơ thể của người chết não có thể cứu sống, mang lại cơ hội cho rất nhiều người bệnh khác”.
Thời gian qua, rất nhiều tấm gương cao đẹp sẵn sàng hiến mô, tạng của người thân đã chết não đã làm nên những câu chuyện cổ tích về sự hồi sinh, về sự tiếp nối sự sống và tình người. Như ngày 19/5 vừa qua, một người phụ nữ ở Hà Nội đã hiến lá gan của mình sau khi chết não. Lá gan ấy của một người vừa lìa đời đã “bay” gấp trong đêm vào TP. Hồ Chí Minh để lại hồi sinh khi được ghép vào một cơ thể mới đang từng ngày mong chờ được sống.
Hay trước đó, ngày 13/5, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và các bác sĩ cũng đã thực hiện hành trình xuyên Việt, mang một trái tim từ người cho chết não ở Hà Nội tới TP.HCM kịp thời ghép và cứu sống một người bệnh khác.
Những câu chuyện đẹp cứ nối tiếp, những cuộc đời đã được hồi sinh. Và nhiều người cũng hy vọng bệnh nhân phi công người Anh cũng sẽ có được cơ hội được sống khi những nghĩa cử cao đẹp đang ngày càng lan toả trong cộng đồng.
Đánh giá cao nghĩa cử của người dân Việt Nam, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng chia sẻ: “Đây là một người bệnh ở nước ngoài nhưng người dân đã không nề hà chia sẻ gánh nặng với ngành y tế và đặc biệt với người bệnh. Chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn những tấm lòng của người dân tình nguyện được ghép phổi cho bệnh nhân người Anh".