Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, đã có tổng cộng 3,6 triệu trẻ trên toàn quốc được tiêm vắc xin Sởi- Rubella (MRVAC) an toàn sau 3 đợt triển khai các chiến dịch tiêm trên toàn quốc từ đầu năm đến nay, đạt tỷ lệ đạt 96%.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Hiện vẫn còn 7 tỉnh của miền Bắc chưa triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi- Rubella, các địa phương này sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020, dự kiến sẽ có tổng cộng 4 triệu trẻ được tiêm.
Theo đó, sắp tới là giai đoạn mùa đông- xuân, không chỉ là “mùa” của bệnh sởi mà còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: ho gà, thuỷ đậu, cúm… Nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ sẽ rất dễ mắc bệnh; việc nâng cao được tỷ lệ tiêm chủng cũng sẽ tạo hàng rào miễn dịch vững chắc để ngăn chặn các dịch bệnh phát sinh.
Về sử dụng vắc xin 5 trong 1, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết: “Trong năm 2019, việc chuyển đổi sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem bằng vắc xin 5 trong 1 ComBE Five đã ảnh hưởng nhiều tới tỷ lệ tiêm chủng do tâm lý lo lắng của người dân. Tuy nhiên cùng với truyền thông cho người dân hiểu và thực tế đã chứng minh tính an toàn của vắc xin mới đã giúp ổn định tâm lý của các bà mẹ và cả cán bộ y tế. Sau khi chiêm nghiệm và yên tâm về vắc xin mới, người dân đã sử dụng trở lại giúp tỷ lệ tiêm chủng đạt kế hoạch như mục tiêu đã đề ra. Nếu 10 tháng đầu năm tỷ lệ tiêm vắc xin 5 trong 1 mới chỉ đạt 64% thì trong 2 tháng cuối năm tỷ lệ này đã cao dần lên và đạt tiến độ. Dự kiến từ nay đến tháng 2/2020, các khu vực sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ để đạt tỷ lệ 90- 95% trẻ được tiêm đầy đủ”.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng bà mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc xin 5 trong 1 còn liên quan trực tiếp đến vắc xin bại liệt uống vì khi trẻ đã đến tiêm mũi này sẽ được uống cùng vắc xin bại liệt, nếu để muộn là muộn cả 2 vắc xin, sẽ giảm hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.