Tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Thông tin từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em cho biết: Hiện nay, tại Việt Nam phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang có xu hướng gia tăng do lây nhiễm qua đường tình dục và tỷ lệ nữ nhiễm HIV tăng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ của vi rút viêm gan B (tỷ lệ nhiễm viêm gan B trên 8%). Đặc biệt, phần lớn số ca nhiễm viêm gan B là do lây truyền dọc từ mẹ sang con. Đồng thời, trẻ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh giang mai từ mẹ.
Trước thực trạng trên, ngành y tế đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hiệu quả. Cụ thể: Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em không ngừng được củng cố và tăng cường chất lượng từ Trung ương đến thôn, bản; tỷ lệ quản lý thai gần đạt đến mức độ bao phủ phổ cập, kể cả ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa (năm 2016 đạt 97,1%); tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế tăng đều qua các năm (năm 2016 đạt 96,7%); tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế được đào tạo đạt 98,2%...
Tuy nhiên, hoạt động can thiệp lây truyền từ mẹ sang con đối với 3 bệnh trên còn gặp nhiều thách thức. Việt Nam hiện chưa có bằng chứng mạnh mẽ về gánh nặng bệnh viêm gan B và bệnh giang mai đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ; bảo hiểm y tế không chi trả các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc dự phòng và khám sức khỏe định kỳ; mô hình cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con trọn gói mới chỉ được thực hiện tại các bệnh viện phụ sản, khoa sản của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh mà chưa được triển khai rộng tại tuyến xã, phường…
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con. Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Thái Nguyên, mô hình dự phòng 3 bệnh (HIV, giang mai và viêm gan B) lây truyền từ mẹ sang con đã được triển khai thí điểm tại 18 xã của huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2014. Các can thiệp đã được triển khai gồm: Cung cấp xét nghiệm HIV, viên gan B và giang mai cho tất cả phụ nữ mang thai trong quá trình khám thai; thu thập mẫu máu khi phụ nữ mang thai đồng ý xét nhiệm; trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, giang mai và viêm gan B đều được theo dõi cho đến khi tình trạng nhiễm bệnh được xác định.
Kết quả sau thời gian thí điểm mô hình cho thấy: Mô hình được triển khai đã giúp tăng tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh; tiết kiệm chi phí lồng ghép xét nghiệm viêm gan B vào gói dịch vụ ngăn ngừa trẻ nhiễm viêm gan B từ mẹ; tỷ lệ phụ nữ mang thai thực hiện các xét nghiệm xác định 3 bệnh trên cao nhờ lồng ghép vào gói dịch vụ chăm sóc thai sản...
Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Chiến lược toàn cầu về loại trừ HIV, giang mai và viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con; thách thức trong hoạt động dự phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con tại Việt Nam; tiến trình hướng tới mục tiêu loại trừ 3 bệnh (HIV, giang mai và viêm gan B) tại Việt Nam…