Theo đó, ngày 8/3, bệnh nhân là L.V. N. (42 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp sau khi mua cồn y tế về để pha thành rượu uống. Kết quả chụp cắt lớp não của bệnh nhân cho thấy có tổn thương và phù não; kết quả xét nghiệm máu có nồng độ methanol cao gấp gần 25 lần nồng độ gây ngộ độc, trong khi đó nồng độ ethanol (cồn y tế) là âm tính. Bệnh nhân đã được điều trị giải độc, lọc máu, hồi sức. Hiện tình trạng nhiễm độc đã hết nhưng bệnh nhân vẫn còn hôn mê sâu do tổn thương não.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Qua thông tin người nhà cung cấp, loại cồn y tế mà bệnh nhân mua uống là cồn 90 độ, sản xuất tại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dược Hải Nam có địa chỉ ở số 158, Quốc Bảo, Thanh Trì (Hà Nội). Theo đăng ký đây là loại cồn y tế dùng để sát trùng; tuy nhiên, xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn của bệnh nhân cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol chiếm tới 81,88%, trong khi nồng độ ethanol chỉ có 1,01%.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, các tài liệu hiện nay cho thấy methanol không được đề cập về tác dụng sát trùng. Đồng thời hàm lượng ethanol trong chai cồn sát trùng không đạt hoặc không có sẽ dẫn tới không thể tiêu diệt các vi trùng, không thể bảo vệ bệnh nhân trước nguy cơ dịch bệnh, nhiễm trùng sau phẫu thuật, vết thương và tiêm truyền.
Nếu người dân và cơ sở y tế mua phải loại cồn này để sát trùng thì thật sự nguy hiểm, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Hơn nữa, loại cồn này nếu bôi rộng trên da thì có nguy cơ ngấm trực tiếp qua da vào máu và có thể gây nhiễm độc và dẫn tới các hậu quả như khi uống phải.