Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày nắng nóng và cách phòng tránh

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

Chú thích ảnh
Người dân cần biết cách lựa chọn thực phẩm và bảo quản thực phẩm, tránh ngộ độc trong mùa hè. Ảnh: TTXVN

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, chế biến thức ăn không nấu chín kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh truyền qua thực phẩm. Đặc biệt, thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… càng dễ mắc phải nguy cơ này. Càng ở những nơi thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao.

Nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm càng gia tăng tại: Các đám cưới, giỗ ... (là những nơi không tỉ mỉ trong lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến); các bếp ăn tập thể không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm;  các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… 

Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh cần chú ý: Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn, phòng tránh ngộ độc trong mùa hè:

- Chọn thực phẩm an toàn.

- Nấu kỹ thức ăn.

- Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

- Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

- Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

- Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

- Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

- Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

- Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.

- Sử dụng nguồn nước sạch.

 

TN/Báo Tin tức
Người tiêu dùng Việt có xu hướng gia tăng mua sắm thực phẩm qua kênh online
Người tiêu dùng Việt có xu hướng gia tăng mua sắm thực phẩm qua kênh online

Theo ghi nhận của Shopee sau thời gian giãn cách xã hội, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn mua sắm trực tuyến các mặt hàng thực phẩm tăng đến 3,5 lần. Điều này minh chứng, người tiêu dùng đang dần dịch chuyển mua sắm trực tuyến các sản phẩm thực phẩm và bách hóa nhằm tận hưởng sự tiện lợi của TMĐT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN