Từ cộng đồng và vì cộng đồng
Anh Trần Chí Cường, một nhân viên tiếp cận cộng đồng hỗ trợ nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại Đồng Nai, từng phải tự đi tìm các dịch vụ hỗ trợ khi thuộc nhóm nguy cơ dễ lây nhiễm HIV.
Vì ngại ngùng, không muốn nhiều người biết, anh cũng phải loay hoay tự tìm hiểu những kiến thức, kết nối với nhiều cơ sở để tìm kiếm các phương pháp phòng lây nhiễm HIV trong chính cộng đồng của mình.
Từ kinh nghiệm đó của bản thân, anh nhận ra còn nhiều người như anh ở trong giới, cũng cần được tiếp cận và hỗ trợ như vậy.
Đây là lý do anh quyết định trở thành một nhân viên tiếp cận cộng đồng, hỗ trợ cho công tác phòng chống HIV.
“Công việc của tôi thường kết thúc lúc 23 giờ, nhưng cũng có những ngày tôi vẫn nhận được lời "cầu cứu" cần sàng lọc HIV ngay trong đêm. Khi gặp những trường hợp như vậy, tôi lại phải dành thời gian tư vấn, hỗ trợ cho họ; không thể bỏ rơi họ khi cần thiết, công việc của chúng tôi là vì cộng đồng”, anh Trần Chí Cường tâm sự.
Cũng trong tâm thế luôn phải hỗ trợ cho những trường hợp nguy cơ trong bất kể thời gian nào, anh Nguyễn Thanh Giàu, nhân viên tiếp cận cộng đồng tại Tiền Giang chia sẻ: “Có những đêm tôi bị gọi dậy bởi cuộc gọi tâm sự hoảng hốt của người vừa biết bị nhiễm HIV. Lúc này, việc ở bên cạnh ổn định tâm lý cho họ là điều quan trọng nhất. Nhiều lần tôi phải chạy xe tới 55 km để tới hỗ trợ tâm lý cho một trường hợp nghĩ quẩn, có ý định tự tử. Trong nhiều trường hợp, việc ổn định tâm lý, hỗ trợ điều trị ARV, đảm bảo sức khỏe có vai trò quyết định”.
Chia sẻ về công việc đặc thù này, anh Quàng Văn Bình, nhân viên tiếp cận cộng đồng tại Điện Biên, cho biết: "Có những người cần hỗ trợ xét nghiệm HIV ở tận xã vùng sâu, vùng xa của huyện Nậm Pồ, Điện Biên cách văn phòng của nhóm chúng tôi tới 80 km, đường đi vô cùng khó khăn, nhỏ hẹp, chúng tôi phải băng qua đồi núi để vào tận nhà tiếp cận người cần hỗ trợ. Chưa kể những hôm trời mưa, đường trơn trượt, đi lại vô cùng cực khổ, có khi phải đi mất một ngày mới tới nơi, nhưng chúng tôi không bỏ cuộc".
Theo anh Bình, hầu hết các nhân viên tiếp cận cộng đồng đều xuất phát từ chính người của cộng đồng mà họ đang hỗ trợ. Bởi vậy, công việc mà các nhân viên tiếp cận cộng đồng đang làm là mong muốn đóng góp chút công sức của mình cho cộng đồng, những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là các bạn nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) ở vùng sâu, vùng xa, thiếu kiến thức, hiểu biết, dự phòng lây nhiễm HIV.
“Nhiều người đến tiếng phổ thông còn không hiểu hết, phải nhờ người phiên dịch, hoàn cảnh các bạn rất khó khăn, không đủ tiền mua bao cao su, chất bôi trơn để bảo vệ mình, chứ đừng nói đến xét nghiệm”, anh Bình cho biết.
Chính sự tận tâm, thấu hiểu của các nhân viên tiếp cận cộng đồng đã giúp những người nguy cơ nhiễm HIV vượt qua tâm lý sợ hãi, những rào cản khó khăn khi bản thân có khả năng mắc bệnh, để có niềm tin, chỗ dựa và sống trọng vẹn, có ích cho xã hội.
Thời gian qua, đề án “Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội” đang thực hiện tại các địa phương đã cho thấy hiệu quả lớn. Trong đó, nổi bật là việc kết nối các tổ chức xã hội, mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng được xây dựng như cánh tay nối dài đắc lực, giúp ngành y tế tăng cường sàng lọc, phát hiện ca mắc HIV trong cộng đồng; vận động hỗ trợ nhiều người bệnh tham gia điều trị thuốc ARV; hướng dẫn các đối tượng nguy cơ dự phòng lây nhiễm...
Cần thêm nhiều kỹ năng trong phát hiện và tư vấn ca bệnh
Theo anh Lê Tuấn Cường, nhân viên tiếp cận cộng đồng tại Tiền Giang, để được điều trị, được uống thuốc ARV và nhận thuốc dự phòng PrEP, nhiều người phải đi rất xa, thậm chí có những người phải nghỉ làm để đi lấy thuốc. "Để được điều trị, được an toàn, các khách hàng của chúng tôi phải vất vả; đó cũng chính là những điều thôi thúc tôi phải cố gắng nhiều hơn để là cánh tay nối dài của y tế giúp họ mỗi khi họ cần”, anh Lê Tuấn Cường chia sẻ.
Các nhân viên tiếp cận cộng đồng đều mong muốn có nhiều kỹ năng hơn, trau dồi thêm nhiều kiến thức mới, để tư vấn, hỗ trợ được nhiều người mới, để mọi người hiểu và có cách nhìn khác về HIV, coi HIV không phải là tệ nạn xã hội, mà là bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, cũng cần thêm nhiều chương trình chống kỳ thị với cộng đồng những người đồng tính, chuyển giới (LGBT).
“Chúng tôi mong muốn Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội thành công và chính thức triển khai mở rộng ra toàn quốc. Như vậy các nhân viên tiếp cận cộng đồng như chúng tôi và các tổ chức xã hội sẽ có thể tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác phòng, chống HIV/AIDS”, anh Bình đề xuất.
Theo ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Hợp đồng xã hội được đánh giá là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV thông qua mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ HIV do các tổ chức cộng đồng cung cấp cho các nhóm đối tượng đích.
Đến nay, đề án “Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024” của Bộ Y tế đã được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố, cung cấp dịch vụ phòng chống HIV cho gần 4.000 người thông qua 20 hợp đồng với 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ các nhân viên tiếp cận cộng đồng của các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội tham gia thí điểm.
Đề cập đến các hoạt động tiếp theo để triển khai hợp đồng xã hội trong thời gian tới cũng, ThS.BS Đỗ Hữu Thủy cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm ban hành các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn bao gồm cả danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước và định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; khung giá dịch vụ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, từ đó sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc triển khai triển khai hợp đồng với các các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng ngân sách Nhà nước”.