Nhiều bước tiến trong điều trị các bệnh lý liên quan đến thận

Với những dấu mốc như ghép thận thành công, bổ sung thêm các đơn vị lọc thận nhân tạo theo quy chuẩn quốc tế..., Y tế Đồng bằng sông Cửu Long được nhận định đang có nhiều bước tiến trong điều trị các bệnh lý liên quan đến thận.

Chú thích ảnh
Ê kíp hơn 20 bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia ca ghép thận. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Quá tải các đơn vị chạy thận
 
Theo các công bố gần đây, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, với gần 30.000 người bị suy thận mạn giai đoạn cuối, 8.000 ca mắc mới mỗi năm và ngày càng trẻ hóa. Vì vậy, nhu cầu lọc thận là rất cao và các bệnh viện trên địa bàn Cần Thơ lẫn khu vực lân cận đang quá tải.
 
Bác sĩ Huỳnh Lê Anh Tuấn (Khoa Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết: Thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm 2024, bệnh nhân dưới 40 tuổi nhập viện điều trị với chẩn đoán suy thận mạn chiếm 15%. Đây là con số đáng báo động vì suy thận từ trước đến nay được coi là bệnh của người già. Việc gia tăng nhanh số lượng bệnh nhân suy thận cần chạy thận nhân tạo trong khu vực đã gây nên sự quá tải tại các đơn vị lọc thận. Điều này đẩy bệnh nhân vào thế tiến thoái lưỡng nan vì chuyển lên tuyến trên điều trị thì sẽ không được hỗ trợ bảo hiểm y tế đầy đủ, ở lại thì phải chờ không biết khi nào mới tới lượt mình.
 
Cần Thơ hiện có hai trung tâm lọc thận lớn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (do Bộ Y tế quản lý) và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ (do Sở Y tế quản lý). Hai đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải do máy móc không đáp ứng với lượng bệnh nhân chờ lọc thận quá nhiều.
 
Với số lượng 40 giường bệnh, trước đây, Khoa Thận - Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) phục vụ đủ cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên hiện tại, số lượng bệnh nhân chạy thận hầu như lúc nào cũng đông.

Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, tình hình cũng không khả quan hơn. Lãnh đạo Bệnh viện cho biết: Số lượng máy tại Bệnh viện chỉ khoảng 50 cái, nhưng phải chạy hết công suất để phục vụ lượng bệnh nhân chờ theo danh sách luôn trên dưới 500 người. Điều này khiến đội ngũ nhân viên y tế bị quá sức, máy móc cũng không có thời gian để tu sửa. Bệnh viện đang phải thực hiện 5 ca lọc thận trong ngày thay vì 4 ca theo tiêu chuẩn, trong đó ca 5 từ 22 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Điều này khiến bệnh nhân đã mệt mỏi vì bệnh tật lại không có thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chữa bệnh.
 
Chung tay tạo nên kỳ tích
 
Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Hoàng Quốc Cường cho biết: Từ nay đến năm 2030, ngành Y tế Cần Thơ hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố là trung tâm y tế chuyên sâu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển hệ thống y tế theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngành đặt mục tiêu phát triển bệnh viện tư nhân kỹ thuật cao, quy mô lớn; năm 2025, thành phố có 48,6 giường bệnh/1 vạn dân và năm 2030 là 60,9 giường bệnh/1 vạn dân.
 
Với các mục tiêu cụ thể đó, thành phố đã và đang tạo mọi điều kiện để các đơn vị y tế phát huy hết tiềm năng, mang lại giá trị chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Để giảm tải cho tình trạng thiếu máy lọc thận nhân tạo phục vụ người bệnh, ngày 12/8, Đơn vị Thận nhân tạo (Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ) đã chính thức được đưa vào hoạt động với quy mô 20 máy lọc, trong đó 2 máy công suất lớn, 18 máy công suất trung bình, công nghệ hiện đại.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết: Trong số đó có 2 máy công suất lớn dòng máy HDF-Online, 18 máy HD. Các dòng máy này có chức năng tạo ra dịch lọc siêu tinh khiết bù trực tiếp vào cơ thể người lọc, giúp cải thiện, điều chỉnh các triệu chứng của người bệnh suy thận mạn như ngứa, sạm da, ổn định huyết động, giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch và nguy cơ tử vong, giảm tần suất nhập viện, duy trì chức năng thận tồn lưu...
 
Bên cạnh sự nỗ lực gia tăng thêm các đơn vị lọc thận nhân tạo chất lượng cao, Y tế Cần Thơ cũng có bước tiến nhảy vọt trong điều trị các bệnh lý liên quan đến thận, khi chuyển giao và thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận. Từ dấu mốc ngày 25/4/2024 với ca ghép thận thành công cho nam bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đơn vị đã trở thành trung tâm ghép thận thứ 26 tại Việt Nam.
 
Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Trong ca phẫu thuật lịch sử này, có hơn 20 bác sĩ của bệnh viện tham gia, với sự hỗ trợ trực tiếp của Phó Giáo sư, bác sĩ Thái Minh Sâm (Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh) và ê-kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân sau ghép thận hồi phục sức khỏe ngoạn mục, nhanh chóng bắt kịp với nhịp sinh hoạt và lao động thường ngày như người khỏe mạnh bình thường. Sau thành công này, hiện danh sách các bệnh nhân chờ ghép thận tăng lên nhanh chóng. Tay nghề bác sĩ và máy móc của bệnh viện đều đã sẵn sàng, cái khó chính là nguồn hiến vẫn còn hạn chế do rào cản lớn nhất đến từ các quan niệm dân gian.
 
Trước tình hình báo động về bệnh thận, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên xây dựng lối sống lành mạnh: Uống đủ nước, ăn thực phẩm sạch, vận động thường xuyên. Bên cạnh đó, cần hạn chế thức khuya, căng thẳng, sử dụng chất kích thích, đặc biệt là các loại thuốc trên thị trường không theo chỉ dẫn y khoa. Đồng thời, cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh sớm khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý thận; khi đã phát hiện bệnh thì cần phải kiên trì điều trị lâu dài tại đơn vị y tế uy tín, theo phác đồ của bác sĩ.

Ánh Tuyết (TTXVN)
Áp dụng nhiều tiến bộ mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn
Áp dụng nhiều tiến bộ mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn

Thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã áp dụng những tiến bộ mới của y khoa để làm chậm tiến triển bệnh suy thận mạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN