Ngay từ sáng sớm, gần 100 người dân, chủ yếu là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai,... đã đến tham dự đông đủ buổi hướng dẫn bữa ăn bổ sung cho trẻ. Cộng tác viên dinh dưỡng đã hướng dẫn lựa chọn các nhóm thực phẩm, cách chế biến bữa ăn bổ sung cho từng nhóm tuổi, thực phẩm chế biến là những thực phẩm sẵn có tại địa phương và trong gia đình. Sau đó, các bà mẹ đã thực hành chế biến bữa ăn cho chính con mình, áp dụng từ những kiến thức mà cộng tác viên dinh dưỡng vừa truyền đạt.
Chị Đặng Thị Trang, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên chia sẻ, chị kết hôn rất sớm, làm mẹ ở tuổi 19 nên chưa có kinh nghiệm chăm sóc con. Những chương trình thiết thực như thế này giúp chị có thêm kiến thức để nuôi con tốt hơn, tránh tình trạng suy dinh dưỡng.
Chị Bàn Thị Hà, cùng ở xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên bày tỏ: Vì sinh con ở tuổi còn trẻ (19 tuổi) nên chị chưa có kinh nghiệm nuôi con. Những chỉ dẫn của người nhà và cán bộ y tế thôn, bản giúp chị có thêm kiến thức, biết cách bổ sung bữa ăn hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng cho con.
Trong khuôn khổ chương trình, các cán bộ khuyến nông của huyện, xã tổ chức hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đối tượng là thanh niên chưa lập gia đình, mới lập gia đình. Những thanh niên này rất cần được trang bị các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển sản xuất tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, giàu dinh dưỡng và an toàn cho bữa ăn gia đình đồng thời, tạo ra năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao.
Theo bác sĩ Hà Thanh Trang, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn gần 24%, tỷ lệ suy dinh dưỡng hệ cân nặng hơn 13%. Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ suy dinh dưỡng cao là do trình độ dân trí còn thấp, kinh tế eo hẹp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ đã được cải thiện, hàng năm giảm từ 0,5%-1%. Đạt được kết quả đó là nhờ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều chương trình truyền thông được triển khai nhằm thay đổi hành vi của người dân, giúp người dân nhận thức tốt hơn về vấn đề cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền tới từng hộ gia đình, từng cá nhân để phổ cập kiến thức tới các bà mẹ về dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ, giúp người dân hiểu được nguồn lợi to lớn từ nguồn thực phẩm có sẵn tại địa phương.
Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm nay, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16–23/10 với chủ đề “Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững”. Chiến dịch tập trung đẩy mạnh phát triển VAC để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình; sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu theo từng lứa tuổi; tăng cường ăn rau, củ, trái cây, các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Chiến dịch cũng kêu gọi thực hiện nuôi dưỡng hợp lý trong 1000 ngày đầu đời của trẻ để giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì, các bệnh mạn tính không lây; kêu gọi toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, chiến dịch kêu gọi quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con dưới 2 tuổi và những hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.