Đầu tháng 10/2018 hai bệnh viện (BV) là BV Đa khoa khu vực Thủ Đức và BV Nhân dân Gia Định, Tp Hồ Chí Minh đã phối hợp kịp thời can thiệp phẫu thuật khẩn cấp một trường hợp tai nạn lao động nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân là anh L.T.G. (sinh năm 1975, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trong lúc cầm máy cưa, không may bị vướng vào áo, té ngã nên bị cưa cắt ngang vào bụng, được đồng nghiệp rút cưa và đưa vào khoa Cấp cứu BV Đa khoa khu vực Thủ Đức trong tình trạng da niêm nhợt nhạt, lơ mơ, vã mồ hôi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, thở ngáp cá, vết thương toác thành bụng từ rốn đến giữa đùi trái, lòi ruột ra ngoài.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu nhận định, bệnh nhân sốc G. mất máu nguy kịch, ngay lập tức lập 3 đường truyền, xả dịch, giảm đau, đăng ký máu khẩn, kích hoạt báo động đỏ nội viện và chuyển bệnh nhân lên phòng mổ. Trong quá trình di chuyển bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, được hồi sinh tim phổi tích cực trên đường chuyển vào phòng mổ cấp cứu.
Tại phòng mổ, bệnh nhân vừa được hồi sức tích cực vừa phẫu thuật khẩn cấp, phẫu thuật viên xác định bệnh nhân bị đứt động mạch chậu ngoài bên trái 8cm, rách tĩnh mạch chậu ngoài trái 6cm, đứt đôi đại tràng sigma, thủng hồi tràng 2 vị trí cách góc hồi manh tràng...
Do xác định vết thương mạch máu phức tạp đe doạ tử vong ngay trên bàn mổ, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức đã kích hoạt báo động đỏ liên viện đến BV Nhân Dân Gia Định. Nhận được tín hiệu hỗ trợ khẩn cấp, ngay lập tức ê-kíp bác sĩ của BV Nhân Dân Gia Định mang theo những dụng cụ mảnh ghép động mạch đã đến thẳng phòng mổ của BV Đa khoa khu vực Thủ Đức để cùng phối hợp can thiệp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Hai ngày sau mổ, tri giác bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi, mạch, huyết áp ổn định, đồng tử 2 bên có phản xạ ánh sáng, tiểu tốt, các chỉ số xét nghiệm dần ổn định, siêu âm mạch máu chi dưới không phát hiện hẹp hay tắc mạch.
Tuy qua khỏi nguy kịch, nhưng tiên lượng bệnh nhân còn nặng, có nguy cơ tắc mạch, xuất huyết, tổn thương đa cơ quan sau ngưng tim ngưng thở, nhiễm trùng – nhiễm độc. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được điều trị và theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực của BV Đa khoa khu vực Thủ Đức
Điều đáng nói, bệnh nhân G. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ mà ngành y tế TP Hồ Chí Minh là nơi đi tiên phong và thực hiện tốt.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, PGĐ Sở Y tế Tp Hồ Chí Minh, tác giả của "Quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện giúp hoạt động phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao tại bệnh viện và liên viện" cho biết, quy trình báo động đỏ liên viện là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các bệnh viện nhằm cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch cần sự phối hợp can thiệp của nhiều chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau.
Mục tiêu của quy trình báo động đỏ liên viện là khẩn trương vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho người bệnh. Quy trình này yêu cầu toàn bộ kíp hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất có thể, có thể bỏ qua một số khâu của quy trình cấp cứu thông thường (như hội chẩn, chờ hồi sức nội khoa ổn định, xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm…). Quy trình còn giúp khẩn trương hồi sức tích cực chuyên sâu đối với những trường hợp diễn tiến xấu đột ngột đe dọa tính mạng người bệnh cần sự trợ giúp và can thiệp khẩn cấp của các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác nhau.
Cũng theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, quy trình báo động đỏ liên viện được kích hoạt khi có đủ 2 điều kiện: Người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch hoặc đang điều trị nội trú đột ngột rơi vào tình trạng nguy kịch và cần phải can thiệp phẫu thuật/thủ thuật khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện như: đa chấn thương; vết thương xuyên thấu ở cổ, ngực, bụng; vết thương mạch máu lớn, hoặc cần can thiệp chuyên khoa khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện như đặt máy tạo nhịp khẩn cấp; nội soi lấy dị vật hô hấp khẩn cấp…
PGS.TS Tăng Chí Thượng cũng lưu ý, các trường hợp bệnh nặng khác đã chẩn đoán rõ, bệnh diễn tiến nặng quá khả năng của bệnh viện thì không thuộc qui trình báo động đỏ liên viện. Đề nghị các bệnh viện tuân thủ quy chế chuyên môn và qui định hiện hành của Bộ Y tế.
Năm 2017, vượt qua gần 90 giải pháp/đề tài, "Quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện giúp hoạt động phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao tại bệnh viện và liên viện" của PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã đạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM lần thứ 24 năm 2017. Quy trình này được đánh giá đã tạo mối liên kết hiệu quả từ nhiều bệnh viện, hợp lý, khoa học; từ đó tận dụng thời gian “vàng” để cứu sống nhiều bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Điểm mới giải pháp "Quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện giúp hoạt động phản ứng nhanh khi cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao tại bệnh viện và liên viện" là xây dựng một quy trình cấp cứu để điều trị hiệu quả các bệnh nhân nguy kịch thông qua việc kết nối nhiều bệnh viện, huy động nhiều nguồn lực trong thời gian ngắn nhất để cấp cứu có hiệu quả. Quy trình này đã tạo mối liên kết hiệu quả từ nhiều bệnh viện, hợp lý, khoa học.
Khi quy trình “báo động đỏ” kích hoạt cũng là lúc bác sĩ chạy đua với tử thần bởi sự sống của bệnh nhân chỉ còn đếm ngược từng phút. Quyết định sống còn ngay trên bàn mổ của bác sĩ đã giúp nhiều bệnh nhân từ cõi chết trở về.
Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi PGS.TS Tăng Chí Thượng từng là Giám đốc Bệnh viện là nơi đầu tiên thực hiện quy trình báo động đỏ liên viện. TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Sau 10 năm áp dụng, tính hiệu quả của quy trình báo động đỏ đã được khẳng định, hàng chục ca bệnh khẩn nguy được các y bác sĩ cứu sống ngoạn mục”.
Với quy trình báo động đỏ, ngành y tế không cần thêm bất kỳ nguồn kinh phí nào nhưng thực tiễn đã chứng minh hiệu quả sau hơn 2 năm triển khai quy trình “Báo động đỏ nội viện và liên viện” đã có hơn 50 trường hợp trong tình trạng nguy kịch đã được cứu sống kịp thời. Có thể thấy, sáng kiến từ quy trình báo động đỏ đã tạo bước đột phá, khắc phục được nhiều hạn chế trong quy trình cấp cứu trước đây, mang lại sự sống, niềm vui cho nhiều người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Có thể nói, quy trình báo động đỏ góp phần tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng các y bác sĩ và người dân, bởi đã đã “hồi sinh” được những ca bệnh nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi.