Sau khi tiêm chủng vaccine COVID-19, người dân cần biết cách tự theo dõi sức khoẻ, các dấu hiệu phản ứng để xử trí kịp thời nếu có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi tiêm người dân tuân thủ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm.
Khi về nhà, nơi làm việc, người dân chủ động theo dõi sức khoẻ của mình trong vòng 3 tuần sau tiêm.
Người dân có thể gặp một số phản ứng thông thường với các dấu hiệu như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn... Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm, cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, người dân cũng có thể gặp các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm, mặc dù rất hiếm gặp. Các dấu hiệu nhận biết có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng gồm:
- Vùng miệng có dấu hiệu tê quanh môi, lưỡi...
- Da có thể nổi ban, mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da...
- Họng có cảm giác ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc...
- Đường tiêu hoá có dấu hiệu nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng...
- Đường hô hấp xuất hiện tình trạng thở dốc, thở khò khè, cảm giác nghẹt thở, ho...
- Toàn thân có dấu hiệu mạch yếu, chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã...
Người được tiêm cũng cần chú ý, các dấu hiệu từ phản ứng thông thường diễn biến nặng lên như: Sốt cao trên 39 độ C; sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm; tăng huyết áp hoặc tụt, kẹt huyết áp; đau cơ dữ dội...
Nếu có các dấu hiệu như trên sau tiêm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Người dân cũng cần chú ý thông báo cho cán bộ y tế và cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử các phản ứng sau tiêm mà mình gặp phải.
Các chuyên gia cũng lưu ý, sau tiêm, người dân không tự ý bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm; không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khoẻ. Đặc biệt cần ghi nhớ tên, địa chỉ, số điện thoại của bác sĩ theo dõi và cơ sở y tế cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.