Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa BMJ Open cho biết mối liên quan này rất rõ rệt ngay cả sau khi loại bỏ các yếu tố gây mất trí nhớ khác như thói quen uống rượu hay hút thuốc.
Theo nghiên cứu trên, toàn thế giới có khoảng 7% người trên 65 tuổi mắc bệnh Alzheimer hoặc các dạng suy giảm trí nhớ khác. Ở nhóm người trên 85 tuổi, con số này tăng lên 40%. Nghiên cứu dự báo số người mắc các chứng bệnh về trí nhớ sẽ tăng gần gấp 3 vào năm 2050, là thách thức lớn cho các hệ thống chăm sóc y tế các nước. Ngăn chặn sớm các chứng suy giảm trí nhớ do đó sẽ trở thành một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng toàn cầu trong những thập niên tới.
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe dân số thuộc Đại học London đã rà soát hồ sơ y tế của 131.000 người sống tại khu vực London, có độ tuổi từ 50-79 vào năm 2004. Những người này đều không có dấu hiệu suy giảm trí nhớ vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Các nhà khoa học sau đó ước tính mức độ tiếp xúc với các chất ô nhiễm như khí thải NO2 và hạt siêu nhỏ PM2.5 của những người này và theo dõi sức khỏe của nhóm bệnh nhân trong vòng 7 năm. Trong thời gian này, gần 2.200 bệnh nhân (tương đương 1,7%) bị chẩn đoán mắc chứng suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, nhóm 20% người sống tại những khu vực ô nhiễm cao nhất có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 40% so với nhóm 20% sống ở khu vực có lượng NO2 và PM2.5 thấp nhất.
Tuy nhiên, do chỉ dựa trên phân tích dữ liệu thay vì tiến hành thí nghiệm lâm sàng, nghiên cứu này không thể đưa ra kết luận khẳng định mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả giữa khói bụi ô nhiễm và chứng suy giảm trí nhớ ở người.