Phát hiện và cách sơ cứu hiệu quả khi trẻ nhỏ bị hóc dị vật

Khi trẻ nuốt phải những vật nhỏ như chi tiết đồ chơi, đồng xu, các viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi hay các loại hạt trái cây như nhãn, chôm chôm, thạch rau câu... nếu cha mẹ không phát hiện và xử trí kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Những dấu hiệu trẻ bị hóc dị vật


Khoa Tai mũi họng bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) vừa gắp dị vật thực quản cho một bé gái 7 tháng tuổi tại Long An. Theo lời kể của mẹ bé, khi bé đang chơi bất ngờ dùng tay giật hoa tai bằng vàng rồi bỏ vào miệng. Sau đó, bé nôn ói liên tục, người nhà lo lắng đưa bé nhập viện. 


Qua thăm khám và chụp X quang ngực, bụng thẳng, các bác sĩ nhìn thấy dị vật nằm trong thực quản đoạn ngực. Do chiếc hoa tai có một đầu nhọn nên nguy cơ trầy, rách thực quản cao khi can thiệp thủ thuật lấy dị vật. Ê kíp phẫu thuật cẩn thận kéo dị vật vào lòng ống soi cứng và lấy dị vật ra khỏi thực quản một cách nhẹ nhàng. May mắn, sau khi đã gắp dị vật ra, soi kiểm tra thấy lòng thực quản chỉ tổn thương niêm mạc ít.

Khi trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh cần phải sơ cứu kịp thời và đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những trường hợp trẻ bị mắc dị vật được bố mẹ kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật được đưa tới bệnh viện trong trạng chết não. Theo đó, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận một bé trai 5 tuổi do hút mạnh miệng thạch khiến viên thạch chui vào họng gây nghẹt thở. Dù đã rất nỗ lực nhưng các bác sĩ đã không thể cứu kịp cậu bé bởi quãng thời gian bé bị ngưng thở đã quá lâu.


Theo các bác sĩ, khi trẻ đang ăn, đang chơi mà ho sặc sụa; nghẹn, không ho được, không nói được, không thở được, tím mặt... thì dị vật đã chẹn một phần thanh quản hoặc khí quản, gây khó thở. Đứa trẻ đang bị ngạt thở không thể nói, ho cũng như khóc và trẻ sẽ bất tỉnh trong vòng vài phút nếu không được làm thông đường thở. Khi trẻ chảy dãi hoặc các dấu hiệu khác chứng tỏ không nuốt được thường có nghĩa là dị vật bị tắc ở thực quản, đây là một tình trạng nguy hiểm khác.


Sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật


Theo các bác sĩ, nếu phụ huynh phát hiện con mình đã nuốt và hóc dị vật thì phải thật bình tĩnh sơ cứu, tìm cách tống dị vật khỏi đường thở, đồng thời gọi cấp cứu 115. Thời gian vàng để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 4 - 10 phút, sau khoảng thời gian này xem như đã trễ. Nếu có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề.


Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, phụ huynh chỉ ráng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ khi nhìn thấy, khi không thấy thì đừng ráng móc. Bên cạnh đó, làm ngay nghiệm pháp heimlich để đẩy dị vật ra. Phương pháp này tùy tuổi của mỗi trẻ.


Theo đó, đối với trẻ lớn, phụ huynh đứng ở đằng sau trẻ, nắm hai tay vào nhau và vòng ra đằng trước bụng trẻ, đặt ở ngay phía trên rốn và phía dưới đỉnh xương ức, dùng lực đẩy vào bụng và hướng lên trên. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh vỗ vào lưng trẻ và ấn vào ngực trẻ để tống dị vật ra.


Nếu khi ấn ngực không hiệu quả, dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.


Các bác sĩ khuyến cáo: Các bậc phụ huynh nên trông cháu nhỏ thật cẩn thận, không nên cho bé chơi các loại đồ vật có kích thước nhỏ hoặc mang hoa tai bằng kim loại dễ làm cho các bé tò mò rồi bỏ vào miệng ngậm, nuốt; nhất là không để bé tự ăn các loại hạt, đảm bảo khu vực bé chơi không có vật có thể làm bé hóc.


Phương Thy /Báo Tin Tức
Giáo sư Donald Tan sẽ ghép giác mạc miễn phí cho 4 bệnh nhân nghèo
Giáo sư Donald Tan sẽ ghép giác mạc miễn phí cho 4 bệnh nhân nghèo

Bốn bệnh nhân nghèo sẽ được Giáo sư, bác sĩ Donald Tan phẫu thuật miễn phí và Bệnh viện FV (TP Hồ Chí Minh) miễn toàn bộ chi phí bệnh viện, giác mạc, ăn ở và đi lại trong thời gian phẫu thuật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN