Trước đó, Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tiếp nhận cụ bà tên N.T.T. (77 tuổi, ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, kèm theo sốt. Cụ T. có tiền sử bệnh lý nền tăng huyết áp, hở van tim, thoái hóa cột sống thắt lưng. Khoảng 6 năm trước, cụ cắt túi mật và đặt stent trong ống mật chủ tại TP Hồ Chí Minh.
Qua thăm khám và thực hiện CT- scan, kết quả chẩn đoán ban đầu cho thấy, bệnh nhân bị tắc mật ngoài gan do nhiều sỏi ống mật chủ, nhiễm trùng đường mật do đặt stent quá lâu trong ống mật chủ.
Ê kíp bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát của bệnh viện đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định thực hiện phẫu thuật mổ hở để lấy sạch sỏi và stent trong ống mật chủ, đồng thời xử lý tình trạng nhiễm trùng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 90 phút.
Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã cải thiện, hết sốt, giảm đau bụng, có thể ăn uống được bình thường. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sỹ Chuyên khoa I Dương Hải Minh - Trưởng Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền. Trước đó, bệnh nhân đã từng cắt túi mật và đặt stent trong ống mật chủ, nhưng do đến 6 năm không lấy stent ra dẫn đến nhiễm trùng tắc mật, sỏi đóng bao quanh stent trong ống mật chủ. Nếu không được chẩn đoán chính xác và xử trí lấy ra kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sỹ Chuyên khoa I Dương Hải Minh khuyến cáo, đối với phẫu thuật có đặt stent trong ống mật chủ thông thường, bệnh nhân sẽ được rút ra trong thời gian từ 3-6 tháng. Vì thế, bệnh nhân cần tái khám định kỳ, kiểm tra sỏi hoặc stent có bị sót lại trong đường mật hay không; qua đó, kịp thời xử lý, nhằm hạn chế biến chứng nặng, đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho người bệnh.