Đây là kết luận trong một nghiên cứu phân tích hồ sơ sức khỏe của hàng trăm phi hành gia Mỹ, Nga hoặc các nước thuộc Liên Xô trước đây. Công trình được đăng tải trên tạp chí Scientific Reports số ra ngày 5/7.
Một nhóm nghiên cứu do nhà nghiên cứu Robert Reynolds thuộc Trung tâm nghiên cứu và tham vấn tỷ lệ tử vong tại California, Mỹ, đứng đầu đã sử dụng phương pháp thống kê nhằm phân tích lại hồ sơ của 301 phi hành gia thuộc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) kể từ năm 1959 và 117 nhà du hành vũ trụ của Liên Xô trước đây hoặc Nga kể từ năm 1961. Tiêu chí tham gia nghiên cứu này đối với các phi hành gia Mỹ là họ đã từng ít nhất một lần bay lên vũ trụ vào thời điểm trước cuối tháng 7/2018. Yêu cầu đối với các phi hành gia Nga hoặc các nước thuộc Liên Xô trước đây là 12/2017.
Kết quả cho thấy mọi trường hợp mắc bệnh tim mạch và ung thư trong diện nghiên cứu không xuất phát từ cùng nguyên nhân, và lượng bức xạ vũ trụ phơi nhiễm không liên quan đến nguy cơ tử vong cao. Trong số những người tham gia nghiên cứu cho đến nay đã có 89 người tử vong. 75% số nhà phi hành gia Mỹ tử vong là do ung thư hoặc bệnh tim, trong khi tỷ lệ này ở các nhà du hành vũ trụ Nga hoặc các nước thuộc Liên Xô trước đây là 50%.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo những phi hành gia tham gia các sứ mệnh khám phá vùng xa bên ngoài khí quyển hiện nay có nguy cơ bị phơi nhiễm lượng bức xạ vũ trụ cao hơn so với những người tham gia nghiên cứu trước đây.
Theo các nhà nghiên cứu, các phi hành gia thường phơi nhiễm với các dạng bức xạ i-on hóa, vốn có thể gây ra nguy cơ cao tiềm ẩn đe dọa sức khỏe con người. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chưa đưa ra bằng chứng cụ thể về mối quan hệ giữa bức xạ i-on hóa với nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư.