Trong đó, các địa phương có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao như: thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Ninh…
Nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan chú trọng việc điều tra, giám sát dịch tại cộng đồng, chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ bệnh; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở những địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, nơi công cộng; cán bộ y tế được điều động về tận cơ sở để hướng dẫn, giám sát người dân trong việc thực hiện vệ sinh môi trường gắn với việc diệt muỗi, diệt bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt…
Sở Y tế Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc phân luồng, phân loại bệnh nhân tại khoa khám bệnh, tổ chức khu vực cách ly và tích cực thu dung, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nguồn nhân lực, thuốc men, trang thiết bị, hóa chất... cũng đã được Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng nhằm đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan nhanh, trong đó muỗi là sinh vật truyền bệnh. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước, nơi ao tù nước đọng. Vì vậy, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết của ngành Y tế, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể và cộng đồng trong việc loại trừ bọ gậy.
Trước đó, năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, sốt xuất huyết đã xảy ra trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố với khoảng 8.000 trường hợp, đã có 3 người chết vì sốt xuất huyết. Một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình… đã xảy ra tình trạng quá tải, dù bệnh viện đã kê thêm giường ra hành lang, gầm cầu thang nhưng vẫn không đủ chỗ nằm cho bệnh nhân.